Bộ Y tế điểm danh các địa phương tiêm vaccine Covid-19 chậm

Nam Phương

(Dân trí) - Tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 đã bắt đầu tăng lên, gần 500.000 liều/ngày. Tuy nhiên, tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi còn chậm.

Về việc tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) với nhóm từ 18 tuổi trở lên, đến nay cả nước đã thực hiện hơn 47,2 triệu mũi (70,5%). Trong ngày 19/7 có 49 tỉnh triển khai với gần 160.000 người được tiêm.

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp là: Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp - dưới 51%.

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao đạt trên 95% là Thanh Hóa, Bắc Giang, Bến Tre.

Bộ Y tế điểm danh các địa phương tiêm vaccine Covid-19 chậm - 1

Ảnh: Biên Thùy.

Với mũi nhắc lại thứ 2 (mũi 4), đến nay cả nước đã tiêm được hơn 7,2 triệu mũi. Trong ngày 19/7 có 51 tỉnh triển khai với hơn 260.000 người được tiêm.

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp (dưới 10%) là: Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Đồng Tháp.

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao là Quảng Ninh (95,3%), Khánh Hòa (84,4%), Kiên Giang (83,4%).

Việc tiêm nhắc với nhóm 12-17 tuổi hiện đạt khoảng 22%.

Các tỉnh thành tiêm mũi nhắc thấp dưới 20% gồm:

- Miền Bắc (11 tỉnh): Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên.

- Miền Trung (7 tỉnh): Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận.

- Miền Nam (6 tỉnh): TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bình Dương.

3 địa phương có kết quả tiêm nhắc tốt là Bắc Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang.

Với nhóm trẻ 5-11 tuổi, đến nay cả nước thực hiện được gần 10,6 triệu mũi tiêm. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt hơn 63%. 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp là Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam và TPHCM. 3 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm cao là Ninh Thuận, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Tỷ lệ tiêm mũi 2 ở nhóm tuổi này đạt khoảng 30%. 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa. 3 tỉnh tiêm cao là Ninh Thuận, Vĩnh Long, Bạc Liêu.

Vì sao nhiều người không tiêm vaccine phòng Covid-19?

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tiến độ tiêm đã bắt đầu tăng lên. Trung bình những ngày gần đây cả nước tiêm gần 500.000 liều/ngày. Số mũi tiêm vaccine tăng chủ yếu là do tỷ lệ tiêm mũi 4 tăng. Một số tỉnh, thành có khu công nghiệp đã đề xuất phân bổ thêm vaccine, Viện đã phân bổ thêm khoảng 1,2 triệu liều. Tuy nhiên, tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi tại các địa phương còn chậm.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định, việc tiêm vaccine chưa đảm bảo tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo, Thủ tướng, Chính phủ do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm vaccine của Bộ Y tế, các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt, khoa học.

Ngoài ra, thông tin tuyên truyền chưa tương xứng với diễn biến tình hình dịch bệnh. Một bộ phận người dân còn lơ là chủ quan.

Một bộ phận người dân không đi tiêm mũi 3, đặc biệt là người đã mắc Covid-19 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc dẫn đến tâm lý chủ quan.

Theo Bộ Y tế, việc tiêm cho trẻ 5-11 tuổi chậm vì số trẻ mắc Covid-19 thời gian qua nhiều. Khoảng 3,5 triệu trẻ mắc Covid-19 trong tháng 2-4/2022 nhưng đa phần ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh. Nhiều người cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.

Đồng thời một số vẫn còn tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Bên cạnh đó hiện tại hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm so với giai đoạn trước đây.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các biến thể mới của Covid-19 vẫn đang tiếp tục xuất hiện. Hiệu lực bảo vệ của các mũi tiêm vaccine mũi cơ bản sẽ giảm dần theo thời gian và mũi nhắc lại có thể giúp tăng cường sự bảo vệ đó. Vaccine cộng với các biện pháp bảo vệ khác vẫn là lá chắn hữu hiệu nhất chống lại các biến thể Covid-19.

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 (mũi nhắc lại) là nhằm giúp củng cố thêm miễn dịch. Khi mắc Covid-19, miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Người ta thấy rằng những người đã mắc Covid-19 mà tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) sẽ có miễn dịch lâu hơn, cao hơn so với những người mắc bệnh mà không tiêm. Có nghĩa là hiệu lực bảo vệ của họ cao hơn trước các biến thể mới.