Dịch bệnh bí ẩn ở Congo lộ diện: TPHCM đã điều trị hàng chục ca "nhập khẩu"
(Dân trí) - Từ đầu năm, bệnh viện chuyên khoa Truyền nhiễm tuyến cuối tại TPHCM đã điều trị hàng chục ca bệnh sốt rét từ nước ngoài về, trong đó đa phần ở châu Phi.
Mới đây, theo thông tin cập nhật từ Bộ Y tế Congo, dịch bệnh "bí ẩn" khiến hàng trăm người nhiễm, nhiều ca tử vong đang diễn ra tại vùng Panzi, tỉnh Kwango - khu vực hẻo lánh, khả năng tiếp cận chẩn đoán, xét nghiệm, quản lý y tế hạn chế - thực chất là một dạng sốt rét nặng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan quản lý y tế địa phương, các triệu chứng của người mắc bệnh trên ở Congo bao gồm: sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ.
Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em (bệnh nhi dưới 5 tuổi chiếm 53% số mắc và gần 55% số tử vong). Tất cả các trường hợp nặng đều có suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Dù WHO nhận định, đợt bùng phát dịch ở Congo mang tính chất cục bộ địa phương, cấp độ toàn cầu có mức nguy cơ thấp, ngành y tế TPHCM đã có những biện pháp sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch xâm nhập, như giám sát các cửa khẩu đường thủy và đường hàng không; tổ chức đào tạo, tập huấn điều tra, xử lý dịch, triển khai mạng lưới thu dung điều trị để tránh lây lan...
Ngay sau khi có thông tin xác nhận tác nhân gây dịch ở Congo, phóng viên Dân trí đã liên hệ với đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, đơn vị chuyên khoa Truyền nhiễm tuyến cuối khu vực phía Nam để tìm hiểu về thực tế điều trị, xử lý các ca bệnh sốt rét có yếu tố nước ngoài tại nơi này.
Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, nơi này tiếp nhận 20 ca sốt rét từ nước ngoài về, đa phần là các bệnh nhân "nhập khẩu" từ châu Phi. Trong đó, có các ca bị sốt rét ác tính, biến chứng nặng.
Như trường hợp của một nữ bệnh nhân 34 tuổi, vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, nước tiểu đen, vàng da, thiếu máu... Khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân có thời gian làm việc ở Cameroon (quốc gia ở Trung Phi).
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, các bác sĩ đã sử dụng ngay thuốc đặc trị sốt rét đường tĩnh mạch, đồng thời đặt nội khí quản, gắn máy thở cho bệnh nhân. Trải qua nhiều ngày điều trị tích cực, người phụ nữ qua cơn nguy kịch.
Gần nhất là trường hợp của một bệnh nhân từ Bờ Biển Ngà về cách đây khoảng 1 tháng. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện.
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, Việt Nam là vùng lưu hành sốt rét. Thập niên 90 của thế kỷ trước, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm, trong đó có 5.000 ca sốt rét ác tính.
Sau nhiều nỗ lực của ngành y tế, số ca sốt rét của Việt Nam đã giảm dần, khi chỉ ghi nhận vài trăm ca nội địa/năm.
Sau đại dịch Covid-19, dịch tễ sốt rét tại Việt Nam có sự thay đổi, khi các ca bệnh ghi nhận hầu hết có yếu tố nước ngoài. Năm nay, bệnh nhân sốt rét chủ yếu về từ các nước châu Phi, như Nigeria, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Angola…
Bác sĩ cảnh báo, sốt rét ác tính có nhiều thể, như thể não, thể vàng da, thể suy thận, thể thiếu máu, thể tiểu huyết sắc tố (tiểu đen)... Nếu điều trị trễ, bệnh nhân sẽ biến chứng suy thận, nhiễm toan, sốc tụt huyết áp và dẫn đến tử vong.
Ngược lại, các ca bệnh nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn.
Do đó, người dân nếu đến những khu vực có lưu hành sốt rét trên thế giới (như châu Phi, Đông Nam Á) cũng như những vùng giáp biên giới, vùng rừng núi, nước lợ ven biển Việt Nam, nếu có triệu chứng sốt phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám và can thiệp bệnh sớm.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại Congo, phối hợp với WHO cũng như đầu mối y tế các quốc gia để cập nhật, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Trường hợp có các diễn biến mới, Cục Y tế Dự phòng sẽ phối hợp với WHO, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các đáp ứng phù hợp, bao gồm việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế.