Mắc Covid-19 sau tiêm 2 mũi vaccine có được coi như đã tiêm mũi 3?
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy, những người đã mắc Covid-19 mà tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) có miễn dịch lâu hơn, cao hơn so với những người mắc bệnh mà không tiêm.
Các địa phương đang tích cực triển khai tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi nhắc lại cho đối tượng 12-17 tuổi. Một trong những lý do khiến nhiều người không muốn tiêm mũi 3- mũi nhắc lại thứ nhất vì cho rằng họ đã tiêm 2 mũi vaccine và đã mắc Covid-19 thì coi như đã tiêm mũi 3.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cách hiểu này là không đúng. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 (mũi nhắc lại) là nhằm giúp củng cố thêm miễn dịch.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết khi mắc Covid-19, miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Người ta thấy rằng những người đã mắc Covid-19 mà tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) sẽ có miễn dịch lâu hơn, cao hơn so với những người mắc bệnh mà không tiêm. Có nghĩa là hiệu lực bảo vệ của họ cao hơn trước các biến thể mới.
Miễn dịch do mắc Covid-19 hay tiêm vaccine đều không bền vững. Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Vì thế, rất cần thiết để tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19.
Thậm chí, một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp y khoa hàng đầu thế giới NEJM cho thấy hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 có giá trị trong vòng 3 tháng. Cụ thể, sau tháng thứ 3, hiệu quả giảm rất rõ rệt. Đặc biệt là với biến chủng Omicron ở tháng thứ 3 hiệu quả đạt đỉnh điểm thì hiệu quả bảo vệ chỉ 51%, sau đó giảm dần, thậm chí có nghiên cứu chỉ còn 10-20%.
Khi đã mắc Covid-19 thì việc tiêm vaccine ngay sau đó sẽ tạo ra miễn dịch tốt hơn cho cơ thể để phòng tránh những đợt tái nhiễm sau này. Nếu đã tiêm rồi mà lại nhiễm thì miễn dịch tạo ra rất mạnh hoặc nhiễm rồi mà tiêm bổ sung thì miễn dịch tạo ra cũng rất tốt. Đó là lý do vì sao không cần phân biệt có nhiễm hay không nhiễm trong quá khứ để quyết định việc tiêm vaccine phòng Covid-19.
Cụ thể các mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
Mũi cơ bản: Hầu hết các vaccine gồm 2 mũi, chỉ có vaccine Abdala (chiếm 1-2%) của Cuba tiêm 3 mũi.
Mũi bổ sung: Tiêm một mũi cho đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (chiếm khoảng 2,5%), người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V (chiếm khoảng 25%).
Mũi tiêm nhắc lại :
- Lần 1 (mũi 3) (không tính liều bổ sung): gồm người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vaccine và mũi bổ sung nếu có) và đối tượng 12-17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản.
- Lần 2 (mũi 4): Các đối tượng tiêm gồm:
+ Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng.
+ Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.