1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hai bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025?

Nam Phương -Hồng Hải

(Dân trí) - "Nếu các khó khăn vướng mắc được giải quyết, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 sẽ hoàn thiện việc xây dựng trong năm 2025", Thứ trưởng Lê Đức Luận nói.

Chiều 20/12, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc hai bệnh viện nghìn tỷ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 bỏ hoang, bao giờ hoạt động?, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, trong năm qua Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại dự án đầu tư xây dựng hai bệnh viện này.

Theo Thứ trưởng Luận, khó khăn, vướng mắc của 2 dự án này đã diễn ra và 2 dự án đã tạm dừng thi công từ năm 2020. Hiện nay dự án Bệnh viện Việt Đức đã bắt đầu thi công trở lại.

Thứ trưởng cũng thừa nhận các vướng mắc khá phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng, ký kết hợp đồng, triển khai dự án, có nội dung chưa tuân thủ đúng quy định tại các nghị định và thông tư. Vì thế, qua quá trình rà soát, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trên cơ sở vướng mắc để có cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Hai bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025? - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận (Ảnh: T.D).

"Chỉ áp dụng các cơ chế, chính sách đó thì các khó khăn vướng mắc mới được tháo gỡ, dự án mới tiếp tục được thực hiện", Thứ trưởng Luận nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, gần đây nhất ngày 6/12, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án giải quyết vấn đề này. Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện nội dung liên quan đến nghị quyết của Chính phủ để xử lý vấn đề này. Sau khi giải quyết khó khăn, vướng mắc này các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Hiện nay, về phần xây dựng, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện 97%, còn 3%, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức cũng đã xây dựng được 85% chỉ còn 15%. Theo Thứ trưởng, về phần xây dựng với phần 6 tháng (như yêu cầu của Thủ tướng trước đó) chắc không khó khăn gì.

Hai bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025? - 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì cuộc gặp mặt báo chí (Ảnh: Hồng Hải).

"Liên quan đến thiết bị y tế đã được phê duyệt từ năm 2014-2015, chúng tôi sẽ rà soát để đối chiếu với thực tiễn thực hiện và tổ chức mua sắm thiết bị y tế, mỗi dự án gần 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nếu các khó khăn vướng mắc được các cấp có thẩm quyền chấp nhận, chúng ta sẽ hoàn thiện việc xây dựng trong năm 2025", Thứ trưởng Luận nói.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong vòng 6 tháng, Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao 2 cơ sở của hai bệnh viện này.

Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành.

Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng Covid-19.

Hai bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025? - 3

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức bị bỏ hoang sau gần 10 năm xây dựng (Ảnh: Quân Đỗ).

Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Quá trình thi công, tổ chức thực hiện hợp đồng có nhiều vướng mắc liên quan. Đầu năm 2021, dự án đã tạm dừng thi công và từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết được các vướng mắc cũng như chưa có cơ chế xử lý những khó khăn liên quan.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.