1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả 100% khám, chữa bệnh hiểm nghèo

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan...

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo tác động chính sách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần 2, do Bộ Y tế dự thảo đang lấy góp ý.

Cụ thể, theo dự thảo này, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và có mức hưởng theo quy định khi thuộc các trường hợp:

- Người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả 100% khám, chữa bệnh hiểm nghèo - 1

Bộ Y tế đề xuất bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh với bệnh hiểm nghèo (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

- Một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Người bệnh đã được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh mạn tính được chuyển về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký ban đầu hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn (cơ bản, chuyên sâu).

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hiện tại đạt 92,04% dân số. Tỷ lệ này cần tăng lên ít nhất 95% vào năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ.

Trong gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, chủ yếu tập trung vào nhóm phi chính thức như người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm thứ hai trở đi, người tham gia theo hộ gia đình.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4 triệu người tham gia bảo hiểm sức khỏe do các công ty bảo hiểm thương mại cung cấp hàng năm, nhưng nhiều người trong số này chưa tham gia bảo hiểm bắt buộc do nhà nước thực hiện. Tình trạng này gây lãng phí nguồn lực trong khi nhà nước vẫn phải đầu tư cho chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bộ Y tế đánh giá, các chính sách trong luật Bảo hiểm y tế sửa đổi giúp bảo đảm cơ chế tài chính cho người dân, tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, của một số đối tượng được bổ sung, sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe và chất lượng sức khỏe của người dân.

Bộ Y tế dẫn chứng trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc.

Mỗi tuần phải đến bệnh viện ba lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức.

Từ đó sẽ dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như: giảm sức lao động, tăng nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội. Khi họ tham gia bảo hiểm y tế và được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí thì các khó khăn trên đã được giải quyết.

"Hiện nay, tính trên cả nước, tổng số lượng chạy thận nhân tạo được bảo hiểm y tế thanh toán là 4,3 triệu lượt/năm. Tổng chi phí được chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho thận nhân tạo chu kỳ là 2.400 tỷ đồng/năm.

Đây là dịch vụ có tỷ trọng chi lớn nhất từ quỹ bảo hiểm y tế. Vì vậy, nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, không được chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế, người dân sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn về mặt tài chính đặc biệt khi mắc các bệnh hiểm nghèo", Bộ Y tế nêu.