1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đề xuất BHYT chi trả sàng lọc ung thư, tăng huyết áp

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, nếu sàng lọc tăng huyết áp sẽ tiết kiệm được cho quỹ bảo hiểm y tế trung bình 1.216,8 tỷ đồng/năm, trong 10 năm đầu tiên triển khai.

Đề xuất khám sàng lọc tiểu đường, ung thư được chi trả bảo hiểm

Việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh lý: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B được ưu tiên đưa vào danh sách chi trả bảo hiểm y tế.

Đây là nội dung được Bộ Y tế đề xuất đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Cụ thể, theo đề nghị của Bộ Y tế, sẽ thực hiện lộ trình ưu tiên theo khả năng cân đối quỹ, việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh lý được ưu tiên mở rộng chi trả bao gồm: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C, B.

Đề xuất BHYT chi trả sàng lọc ung thư, tăng huyết áp - 1

Bộ Y tế đề xuất khám sàng lọc tiểu đường, ung thư được chi trả bảo hiểm (Ảnh: CTV).

"Giải pháp mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế mang lại giá trị kinh tế lớn, tiết kiệm chi cho quỹ bảo hiểm y tế do phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh tật ở giai đoạn muộn, khi bệnh thường nặng kèm theo các biến chứng, phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm còn giúp tiết kiệm chi phí ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khỏe, xã hội. Như vậy, Nhà nước sẽ được lợi tối đa về tổng thể...", Bộ Y tế lý giải nguyên nhân lựa chọn giải pháp này trong đề xuất.

Năm 2023, chi phí của 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ Bảo hiểm y tế là 6.186 tỷ đồng.

So sánh riêng với bệnh thái tháo đường túyp 2: Năm 2021 ước tính số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam là 3,994 triệu người; trong số đó 50% chưa được chẩn đoán.

Quỹ Bảo hiểm y tế chi cho điều trị hơn 1,923 triệu bệnh nhân đái tháo đường túyp 2 với chi phí riêng tiền thuốc là hơn 3.000 tỷ đồng/năm chiếm khoảng 8,40% tổng chi quỹ.

Năm 2023, đối với bệnh đái tháo đường túyp 2 có 15.534.946 lượt khám chữa bệnh với chi phí lên đến 6.766,6 tỷ đồng/năm, chiếm 5,6% tổng chi quỹ; bệnh tăng huyết áp có 22.890.888 lượt khám chữa bệnh với chi phí là 6.015,3 tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng chi quỹ.

Nếu sàng lọc đái tháo đường túyp 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ Bảo hiểm y tế trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Đối với sàng lọc tăng huyết áp sẽ tiết kiệm được cho quỹ bảo hiểm y tế trung bình 1.216,8 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai.

Đối với người dân, giải pháp mở rộng chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân nhờ phát hiện và điều trị sớm, giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả của người bệnh.

Cần sớm giải quyết bất cập liên quan bảo hiểm y tế

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục.

Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật.

Bên cạnh đó, phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng được đảm bảo. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, quản lý bệnh viện và giám định bảo hiểm y tế được thực hiện hiệu quả.

Chính sách bảo hiểm y tế bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh như: một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế; các quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến chưa tạo điều kiện cho người dân...

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành là cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; đồng thời đảm bảo thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.