Bộ Y tế đang đàm phán thêm 160.000 liều vắc xin dịch vụ
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016, Bộ Y tế đang đàm phán để nhập về 160.000 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1. Dự kiến năm 2017, vắc xin 6 trong 1 do Việt Nam sản xuất sẽ được đưa vào thử nghiệm.
Ngày 22/12, bên lề hội nghị về vắc xin, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất vắc xin nhằm đảm bảo cho thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Hiện Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều vắc xin như tả, bại liệt; dự kiến năm 2017 Việt Nam sẽ đưa vào sử dụng vắc xin sởi - rubella do nước ta sản xuất; Việt Nam cũng trở thành 1 trong 4 nước sản xuất thành công vắc xin phòng rota vi rút; Dự tính đến năm 2017, vắc xin 6 trong 1 vô bào cũng được sản xuất thành công, đưa vào thử nghiệm và đến năm 2020 sẽ được đưa ra thị trường.
GS.TS Nguyễn Thanh Long (ảnh) cũng chia sẻ với báo giới về tình trạng vắc xin dịch vụ hiện nay.
Thưa ông, thời gian qua, vắc xin dịch vụ vẫn căng thẳng, khan hiếm đến mức người dân phải cho con ra nước ngoài tiêm vắc xin, chấp nhận rủi ro tiêm vắc xin “xách tay” được rao bán trên mạng. Bộ Y tế đã có những nỗ lực gì để khắc phục tình trạng này?
Tiêm chủng là nhu cầu chính đáng trong phòng chống bệnh tật cho trẻ, vì thế, người dân có điều kiện hoàn toàn có thể đưa con đi nước ngoài tiêm chủng. Tuy nhiên, với việc tiêm vắc xin “xách tay”, tôi khuyến cáo tuyệt đối không được phép vì điều này vô cùng nguy hiểm. Vắc xin là một sinh phẩm y tế đặc biệt, cần phải tuân thủ quy trình bảo quản nghiêm ngặt, việc “xách tay” nếu có những yếu tố không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin, khi tiêm sẽ thiếu an toàn.
Trước thực tế khan hiếm vắc xin kéo dài trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành nhiều biện pháp để khắc phục. Bộ Y tế đã trực tiếp cử cán bộ y tế ra nước ngoài để tìm hiểu xem nguồn cung vắc xin dịch vụ của các quốc gia thế nào. Thực tế cho thấy, tình trạng khan hiếm vắc xin xảy ra ở nhiều nước, ngay tại Pháp- nơi được cho là quê hương sản xuất ra nhiều loại vắc xin. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Cục Quản lý Dược làm việc chặt chẽ với các công ty vắc xin trên toàn cầu để tiến hành nhập khẩu vắc xin.
Hiện Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các đối tác liên quan để lô vắc xin với khoảng 160.000 liều vắc xin dịch vụ tổng hợp được nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là hơn 40.000 liều vắc xin dịch vụ đã được nhập vào Việt Nam, đang được kiểm nghiệm chất lượng, dự kiến sẽ đưa ra thị trường vào cuối tháng 12 tới.
Thưa ông, lợi dụng tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ, có doanh nghiệp đã đẩy giá lên đến 2 triệu/liều tiêm và phải đăng kí trước. Hay cũng có những lời rao bán về “xuất tiêm ngoại giao” trên mạng. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
Quy trình nhập khẩu, kiểm định, phân phối vắc xin diễn ra rất chặt chẽ. Theo đó, vắc xin sau khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ phải kiểm nghiệm đạt chất lượng mới được phép lưu thông, các công ty phân phối mới tiến hành phân bổ vắc xin cho các đơn vị có đăng ký trước đó. Vì thế, không thể có tình trạng vắc xin chưa được kiểm định mà đã được đưa ra thị trường. Hơn nữa, với nhu cầu thực tế hiện nay, khi có vắc xin về đều được công bố công khai tại các đơn vị, do vậy sẽ khó có tình trạng vắc xin được nhập khẩu về kiểm định xong mà bị ghim lại không đưa ra lưu thông trên thị trường.
Còn đối với giá vắc xin dịch vụ, việc quản lý giá vắc xin được thực hiện như quy định trong Luật Dược. Theo đó, các công ty khi nhập khẩu vắc xin về phải đăng ký giá với Cục Quản lý Dược. Hiện nay, giá bán vắc xin được quy định tương đối đồng nhất giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế mỗi doanh nghiệp có thể cộng thêm một số chi phí phát sinh nhưng không nhiều, không được vượt quá giá trần theo tỉ lệ quy định. Vì thế, bất cứ nơi nào có tình trạng đẩy giá bán vắc xin cao hơn giá trần nhiều lần thì Bộ Y tế sẽ cử cán bộ thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm.
Thưa ông, người dân còn phải chịu tình trạng khan hiếm vắc xin đến khi nào? Ông có khuyến cáo gì với một bộ phận dân chúng vẫn cố chờ đợi vắc xin dịch vụ để tiêm cho trẻ?
Như tôi đã chia sẻ, Bộ Y tế đã làm hết sức có thể, song việc khan hiếm vắc xin là khó tránh do những nguyên nhân khách quan. Do vậy tôi mong người dân hiểu và thông cảm với những khó khăn mà ngành Y tế đang gặp phải. Tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ còn kéo dài trong vài năm tới, vì thế, người dân không nên chờ đợi quá lâu, dẫn đến mất cơ hội phòng bệnh cho con.
Một lần nữa tôi phải khẳng định rằng chất lượng của vắc xin trong chương trình tiêm chủng dịch vụ và vắc xin tiêm chủng mở rộng là tương đương nhau, không có sự khác biệt. Theo các nghiên cứu, vắc xin vô bào có tỷ lệ phản ứng nhẹ sau tiêm (như sốt, sưng tấy tại chỗ, đau...) thấp hơn vắc xin toàn tế bào nhưng tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm của hai loại vắc xin này là như nhau. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng về phản ứng nặng sau tiêm vắc xin trong tiêm chủng mà cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm.
Xin cảm ơn ông!
Tú Anh (ghi)