1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Y tế nói gì về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ

Nam Phương

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sắp tới khi vắc xin về nhiều Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc tiêm cho trẻ 12-18 tuổi. Trong năm 2022, Bộ dự kiến mua vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Trả lời trên VTV1 tối 13/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết biến thể Delta có những điểm về sinh bệnh học hết sức khác biệt so với những biến thể trước.

Thứ nhất là nồng độ virus trên dịch hầu học của bệnh nhân có thể cao gấp 1.000 lần so với các biến thế trước đây.

Thứ hai là virus biến thể Delta có ái tính cao hơn với tế bào niêm mạc đường hô hấp trên và hô hấp dưới.

Thứ ba là tỷ lệ lây nhiễm bệnh của một người cho người khác rất cao, 9-10 người. Chu kỳ lây nhiễm khi phân lập virus trong phòng thí nghiệm cho thấy sau 48 giờ lượng virus phát triển rất nhanh. Về thực tiễn, bệnh nhân có thể lây cho người khác khi không có triệu chứng.

Bộ trưởng Y tế nói gì về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ - 1

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị phải triển khai thần tốc việc xét nghiệm để phát hiện các ca mắc từ đó cách ly khoanh vùng dập dịch tránh việc phong tỏa giãn cách trên một diện rộng kéo dài và chăm sóc điều trị người nhiễm một cách phù hợp.

Về vấn đề tiêm vắc xin Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu tiêm sớm vắc xin cho trẻ. Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, khi vắc xin về Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cho các địa phương trong việc tiêm vắc xin cho trẻ 12-18 tuổi.

Mặt khác thời gian qua Bộ Y tế đã làm việc với các nhà cung ứng vắc xin, các nhà sản xuất để có thể đặt vắc xin, mua vắc xin. Trong năm 2022, Bộ dự kiến mua vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, trên một nguyên tắc làm sao đảm bảo vắc xin về nhiều nhất nhanh nhất đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch.

Trả lời báo chí trước đó về chủ trương xét nghiệm của Hà Nội, Bộ trưởng cũng cho biết thời gian qua TP liên tục phát hiện ra các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, không rõ nguồn lây. Điều đó có nghĩa là mầm bệnh đã lây lan, len lỏi trong ngoài cộng đồng mà chúng ta không biết được. Vì thế, TP đã thực hiện giãn cách xã hội rất dài.

Vì thế, theo Bộ trưởng để giảm thời gian giãn cách xuống thì phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để, từ đó nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Vấn đề xét nghiệm rất quan trọng. Bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng và bài học kinh nghiệm của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, quận 7, huyện Củ Chi của TPHCM, Cần Thơ và nhiều địa phương như Khánh Hòa… cũng cho thấy điều này.