Bộ trưởng Y tế đột xuất thị sát làng mứt Xuân Đỉnh
(Dân trí) - Ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bất ngờ thị sát làng mứt Xuân Đỉnh và đến kiểm tra một công ty sản xuất socola tại Nam Từ Liêm.
Tại thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Tôn Cù ở ngõ 1, phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm đang có 5 – 7 công đang tiến hành các công đoạn của quy trình sản xuất mứt bí.
Nguyên liệu để làm mứt bí đều có nguồn gốc xuất xứ, như bí đao lấy tại Tây Ninh, lạc lấy tại Sóc Sơn, gừng lấy ở Sơn La và đường lấy tại công ty có thương hiệu ở Đồng Nai.
Tại đây, quy trình sản xuất mức đều đã được hiện đại hoá, từ khâu rửa bí, đảo bí với đường, sấy mứt bí ngay tại xưởng... đều được máy móc thực hiện, thay cho các phương pháp thủ công phơi trên sân thượng, đường làng như trước.
Đoàn kiểm tra đã lấy các mẫu mứt bí và cà rốt để kiểm nghiệm
Tại công ty chuyên về sản xuất socola ở Nam Từ Liêm, các hoạt động sản xuất đều đúng quy trình. Bộ trưởng đã chỉ đạo lấy mẫu nguyên liệu làm socola để kiểm nghiệm.
Theo Bộ trưởng, quan trọng nhất trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn này là kiểm tra, xét nghiệm, lấy mẫu các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong ngày Tết như nước ngọt, bánh kẹo, giò chả, xúc xích… để kịp thời phát hiện hàng không đảm bảo, công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng để loại bỏ thực phẩm bẩn, đảm bảo người dân được dùng thực phẩm an toàn.
“Không thể để tình trạng cả xe tải nước ngọt nhưng thực tế chỉ là nước lã pha đường hóa học. Hay rượu giả, xúc xích ruốc, bánh mứt kẹo và các sản phẩm khác như miến gạo bún, rau củ quả tiêu thụ rất lớn, ùn ùn vào các thành phố lớn. Để giám sát được cần cả lực lượng công thương, thị trường, cảnh sát môi trường”, Bộ trưởng Tiến kiến nghị.
Qua kiểm tra, những sản phẩm không tốt/tốt sẽ được công bố công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng để người dân biết thông tin…
Tại buổi kiểm tra, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt cao điểm kiểm tra thực phẩm tết nguyên đán Mậu Tuất, các đoàn kiểm tra của Hà Nội đã kiểm tra được 6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã phát hiện 1.200 cơ sở có các lỗi sai phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 400 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng, đồng thời tiêu hủy một số sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Theo Bộ trưởng, thời điểm này, nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn kiểm tra là lấy mẫu các sản phẩm thường sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán để kiểm tra về ATTP và cảnh báo ngay đến người dân. Do đó, các cơ sở kiểm nghiệm chuyên ngành phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra gửi đến để có kết quả sớm, thông báo công khai tới người dân cơ sở làm đạt chất lượng, cơ sở chưa đạt an toàn thực phẩm để người dân biết và lựa chọn. Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết nhưng ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngoài việc công khai các cơ sở không đảm bảo để người dân biết, cần công bố cả những đơn vị, cơ sở thực hiện tốt và đơn vị chưa tốt để người dân biết thông tin mà lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe; khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
Hồng Hải