Bỏ thuốc lá: Quan trọng là ý thức!

(Dân trí) - Các kinh nghiệm quốc tế cho thấy bỏ thuốc lá là do nỗ lực của bản thân. Do đó nếu những chiến dịch phòng chống thuốc lá được thực hiện nhất quán trong nhiều năm, tỉ lệ bỏ thuốc sẽ tăng lên mà không cần biện pháp can thiệp nào.

Tiến sĩ Tom Carroll Chuyên gia tư vấn truyền thông Quỹ Lá phổi thế giới đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Dân trí ngay sau khi tổng kết chiến dịch truyền thông quốc gia về kiểm soát thuốc lá và thực hiện quy định 1315/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Kết quả đánh giá chiến dịch “Thuốc lá đang tàn phá cơ thể bạn từ bên trong” cho thấy chiều hướng khả quan để giảm tình trạng hút thuốc lá ở Việt Nam. Dưới góc độ chuyên môn, ông đánh giá như thế nào giữa tình hình thực tế so với bản đánh giá?

 

Khảo sát lần này của chúng tôi không đề cập tới tất cả những vấn đề liên quan đến thuốc lá mà chúng tôi chỉ tập trung phân tích phản ứng của người hút thuốc và không hút thuốc đối với chiến dịch vừa qua.

 

Đã có hơn 80% những người hút thuốc sau khi xem quảng cáo đã tỏ ra lo ngại cho sức khỏe của chính họ và người thân của họ và hơn 3/4 người trong số họ đã có mong muốn bỏ thuốc lá, tránh làm ảnh hưởng tới những người xung quanh. Đây chính là những kết quả tích cực của chiến dịch lần này.

 

Chỉ tuyên truyền và cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với người dân là chưa đủ bởi nhiều nơi công cộng tại Việt Nam vẫn còn tình trạng khói thuốc cho dù Chính Phủ đã ban hành lệnh cấm. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

Vì sao giới trẻ Việt Nam hút thuốc lá nhiều?

 

Đó là vì ngành công nghiệp thuốc lá tập trung vào giới trẻ thông qua nhiều hoạt động tiếp thị và tài trợ trong khi hầu hết những chiến dịch truyền thông đều tập trung vào những người trưởng thành. Đó là lý do tại sao, những lệnh cấm hoạt động tiếp thị thuốc lá là hết sức cần thiết tại nhiều nước.

Điều quan trọng là trong khi chúng ta xây dựng đội ngũ những nhà chức trách thi hành luật, chúng ta cũng phải xây dựng những công dân có ý thức tự thực thi luật. Và truyền thông làm điều đó. Truyền thông giúp công dân ý thức được lợi ích mà họ nhận được từ luật, tin tưởng rằng khói thuốc và khói thuốc lá thụ động có tác hại rất nghiêm trọng. Từ đó, luật sẽ có tác động lớn hơn.

 

Chiến dịch lần này đã chứng minh được điều đó. Trong thực tế, gần 90% những người không hút thuốc đã xem quảng cáo cho rằng họ muốn tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc nhắc nhở những người xung quanh không hút thuốc. Đây rõ ràng là những ủng hộ mạnh mẽ cho quy định không khói thuốc và điều này sẽ tăng lên nếu những chiến dịch tương tự được tiếp tục triển khai song song với những chế tài hiệu quả.

 

Đối với những người bị nghiện thuốc nặng thì liệu chiến dịch truyền thông vừa qua đã đủ “sức mạnh” để khiến những đối tượng này bỏ thuốc hay chưa? Ông có lời khuyên như thế nào đối với những người nghiện thuốc lá nặng?

 

Các kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng phần lớn những người hút thuốc bỏ được thuốc lá do sự tự nỗ lực của bản thân họ. Khi họ cố gắng, họ sẽ làm được. Thực tế rằng, những chiến dịch phòng chống thuốc lá bằng hình ảnh được thực hiện nhất quán qua nhiều năm sẽ có thể tác động tích cực đến nỗ lực bỏ thuốc của họ.

 

Do đó, nếu chúng ta có thể phát sóng nhiều hơn những thông điệp này, chúng ta có thể tăng con số người muốn bỏ thuốc lên cao hơn mà không cần một biện pháp can thiệp nào.

  

Một số đề tài nghiên cứu cho thấy nếu tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm tỷ lệ hút thuốc. Vậy có nên kết hợp giữa việc tuyên truyền và tăng thuế thuốc lá khi mà Chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một chế tài nghiêm khắc?

 

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy những nỗ lực nhằm giảm số lượng người hút thuốc lá chỉ thành công khi có sự kết hợp một loạt biện pháp chiến lược được thực hiện cùng lúc.

 

Do đó, theo tôi, những chiến dịch truyền thông nhấn mạnh tác hại của thuốc lá đối với người hút trực tiếp và người hút thuốc thụ động chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt nhất khi việc quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá bị cấm tuyệt đối dưới mọi hình thức; số lượng các địa điểm cho phép hút thuốc tự do giảm xuống và thuế đánh vào mặt hàng thuốc lá tăng để đẩy giá thuốc lên.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hùng