1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị nhân viên y tế quát vì bị khuyết tật mà tự đi khám

Hà An

(Dân trí) - "Nhanh lên chứ, từ sau khuyết tật phải có người nhà đi khám cùng giúp bế lên giường nhé", chị N. bị nhân viên một bệnh viện lớn tại Hà Nội quát khi đi khám phụ khoa.

Đây là chia sẻ của chị N.T.C.N., hội viên Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tại buổi truyền thông và khám sức khỏe sinh sản cho hơn 30 người khuyết tật diễn ra sáng 22/11. 

Chị N. cho biết: "Chị em khuyết tật ngại đi khám lắm, nhất là khám phụ khoa. Chúng tôi để lên được cái giường khám rất khó. Có lần tôi đã bị nhân viên một bệnh viện lớn tại Hà Nội quát "Nhanh lên chứ, từ sau khuyết tật phải có người nhà đi khám cùng giúp bế lên giường nhé"". 

Trước đó, trong lần đầu tiên đi khám tại MSIVN chị phát hiện ra mình bị ung thư vú. Ngay sau đó chị đã đi sinh thiết, xạ trị. Rất may mắn nhờ phát hiện kịp thời nên chị đang trong giai đoạn hồi phục.

Giống như chị N., thực tế hiện nay nhiều người khuyết tật còn gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiện nước ta có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên bị khuyết tật và 13% gia đình có người khuyết tật.

Ngoài người khuyết tật, dự án còn hướng đến các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ nghèo, nữ công nhân, phụ nữ và nam giới nông thôn, người khuyết tật, nạn nhân của bạo lực giới, phụ nữ dân tộc thiểu số…

Bị nhân viên y tế quát vì bị khuyết tật mà tự đi khám - 1

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam tại sự kiện (Ảnh: H.L).

Phát biểu tại buổi truyền thông, Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, cho biết: "Sức khỏe của mỗi người là việc cá nhân, tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lại là trách nhiệm của cộng đồng.

Ai cũng có quyền được bình đẳng, bất kể là phụ nữ, đàn ông, người khỏe mạnh, người khuyết tật… Chúng ta đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế và được đảm bảo sức khỏe".

Vì thế, ông rất vui mừng khi được chứng kiến nỗ lực thúc đẩy khả năng tiếp cận bình đẳng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không có sự phân biệt đối xử.

Trong gần một năm rưỡi triển khai dự án, hơn 100.000 dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được cung cấp cho các nhóm mục tiêu, hơn 50.671 phụ nữ nông thôn được tiếp cận dịch vụ (nhận được những ưu đãi đặc biệt về vòng tránh thai và cấy ghép tránh thai).

Ngoài ra, 12.322 phụ nữ nghèo và 5.978 phụ nữ dân tộc thiểu số tư vấn sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, miễn phí biện pháp tránh thai dài hạn (đặt vòng, cấy tránh thai)…