Bộ Y tế dự kiến sắp xếp giảm 4 bệnh viện trung ương
(Dân trí) - Theo đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc, Bộ Y tế dự kiến sắp xếp giảm 4 bệnh viện, chuyển giao về các Bộ, ngành địa phương quản lý.
Cụ thể, Bệnh viện 74 Trung ương chuyển giao nguyên trạng về UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện 71 Trung ương và Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương tổ chức lại thành hai bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tổ chức lại thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.
Ngành đang hoàn thiện lại đề án theo ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp ngày 19/4.
Bộ Y tế cũng cho biết đang hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 12 này.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang sắp xếp, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ học phí cho sinh viên y dược như ngành sư phạm
Liên quan đến vấn đề nhân lực y tế, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y tế.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm như: Sinh viên y, dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Bộ Y tế đánh giá quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (tăng 2,33%). Tổng nhân lực ngành y tế hiện nay là 431.724 người và thấp hơn nhiều so với dự kiến 632.510 người của Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020.
Ngành y đang thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn bệnh nhân.
Theo khuyến cáo quốc tế, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ phải >2 điều dưỡng/bác sĩ và yêu cầu 1 điều dưỡng không phải phụ trách quá 7-8 bệnh nhân nội trú, và ở các khoa phẫu thuật, chăm sóc tích cực tỷ lệ này là 4/1.
Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện công lập mới chỉ đạt được tỷ lệ 1,2-1,5 điều dưỡng/bác sĩ và 1 điều dưỡng vẫn phải phụ trách chăm sóc trung bình 10-15 giường bệnh nội trú.
Trình độ năng lực của nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế trong chăm sóc sức khỏe đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan tới già hóa dân số.
"Ngành y là ngành học khó, làm cũng khó"
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, ngành y là ngành học khó, làm cũng khó.
Đồng thời, ghi nhận những thành tựu của trường trong năm 2024 như đạt 3 chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng Quốc hội giao, đạt 8/9 chỉ tiêu Chính phủ giao, kiểm soát dịch bệnh, bắt đầu tiếp cận khả thi hơn trong việc xử lý một số vấn đề tồn đọng của ngành…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, dù đã cố gắng nhưng một số hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế có phần chậm. Mạng lưới y tế cố gắng phân bổ khắp nhưng ở một số vùng, tiếp cận của người dân còn khó khăn.
"Một số việc tồn đọng lũy kế qua các thời kỳ chưa xử lý rốt ráo, mức sinh thay thế chưa đảm bảo… Cuối cùng, dù đã cố gắng hết sức nhưng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ còn nhiều bất cập, tỷ lệ làm trực tuyến, số hóa hồ sơ còn thấp…", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế quan tâm đến việc xây dựng pháp luật, thể chế chính sách; sắp xếp, tổ chức bộ máy; phòng chống dịch bệnh.