Australia hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam
(Dân trí) - Ngoài sự thua thiệt từ những khiếm của cơ thể, người khuyết tật còn dễ bị tổn thương bởi bạo lực và sự kỳ thị. Thông qua chương trình viện trợ, chính phủ Australia sẽ mang tới những suất học bổng cho người khuyết tật tại Việt Nam, giúp họ có điều kiện phát triển.
Tỷ lệ người khuyết tật hiện chiếm khoảng 15% dân số toàn cầu. Họ là những người có sức khỏe kém hơn, thành tích học tập hạn chế hơn, tham gia vào nền kinh tế ít hơn và có tỷ lệ nghèo đói cao hơn so với những người không khuyết tật. Bên cạnh đó, đây còn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần do bạo lực và sự kỳ thị của cộng đồng.
Ngày 26/5, ông Hugh Borrowman Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho hay: Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop vừa công bố chiến lược “Phát triển cho mọi người giai đoạn 2015 đến 2020: Chiến lược đẩy mạnh phát triển có tính đến yếu tố người khuyết tật trong các chương trình viện trợ của Australia”.
Theo ông Hugh Borrowman: “Tính đến yếu tố người khuyết tật trong phát triển là một việc làm đúng đắn. Nó sẽ giúp giảm thiểu đói nghèo, tăng trưởng kinh tế và giúp mạng lại các thành tựu phát triển tốt hơn cho tất cả mọi người.”
Để hiện thực hóa vấn đề trên tại Việt Nam, Chính phủ Australia đã hỗ trợ người khuyết tật thông qua những học bổng ngắn hạn và dài hạn của Chương trình Học bổng Chính phủ Australia (Australia Awards). Theo đó, Australia ưu tiên và hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận học bổng thông qua Quỹ Tiếp cận Bình đẳng (Equity of Access Fund). Quỹ giúp người khuyết tật trong việc nộp hồ sơ xin học bổng, hỗ trợ trong quá trình học tập của họ tại Australia và đảm bảo khi về nước, người khuyết tật sẽ sinh hoạt tích cực trong các hoạt động của cựu du học sinh Australia.
Được biết, Chính phủ Australia sẽ giúp những người khuyết tật nâng cao chất lượng sống thông qua những dự án viện trợ đang được thực hiện. Trong thời gian tới nước bạn sẽ triển khai những dự án mới nhằm hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam bằng cách tham vấn và theo dõi sự tham gia của người khuyết tật vào các hoạt động cộng đồng, đồng thời làm việc với các cơ quan, tổ chức chuyên hỗ trợ người khuyết tật và các cơ quan hữu quan hỗ trợ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương có được điều kiện phát triển tốt nhất.
Vân Sơn