1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 11.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam được khám sàng lọc

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều người là nạn nhân chất độc màu da cam đã mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Tại Việt Nam di chứng da cam cũng đã truyền sang thế hệ thứ 4.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, kết quả sơ bộ tính đến hết tháng 11, nước ta có khoảng 11.800 người khuyết tật, nạn nhân da cam được khám sàng lọc; 3.500 người nhận can thiệp phục hồi chức năng; 5.900 người nhận dịch vụ chăm sóc; 1.000 người nhận hỗ trợ về sống độc lập; khoảng 4.760 người nhà và người chăm sóc được đào tạo kỹ năng chăm sóc và hỗ trợ trong việc chăm sóc.

Thông tin này được đưa ra trong hội thảo "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của nạn nhân chất độc da cam Dioxin và xông hơi giải độc" được diễn ra tại Hà Nội vừa qua.

da_cam

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Ban tổ chức).

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; nhiều người trong số đó mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải gánh chịu.

Hội thảo lần này nhằm đánh giá việc triển khai Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam, gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.

Triển khai từ năm 2021 - 2026, dự án trên được chia làm hai giai đoạn với mục tiêu chung là mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội, triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật.

Dự án cũng đã góp phần cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản bảo đảm hòa nhập xã hội của người khuyết tật; tăng cường năng lực quản lý, thực hiện và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp.