TPHCM:
Bị container cán nát vùng kín, bệnh nhân sống "thần kỳ" sau 11 lần mổ
(Dân trí) - Trong hàng trăm ngày điều trị với 11 lần phẫu thuật, có nhiều thời điểm, các bác sĩ 10 khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy nghĩ đến việc không thể cứu sống bệnh nhân vì tình trạng vết thương quá kinh hoàng.
Ngày 14/3, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa lập nên kỳ tích cứu sống "thần kỳ" một bệnh nhân bị đa chấn thương cực kỳ nặng nề, sau 11 lần phẫu thuật trong gần 5 tháng điều trị.
Chấn thương kinh hoàng sau khi bị container cán qua người
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, vào ngày 27/10/2022, bệnh nhân H. (53 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Bình Chánh, trong tình trạng đa chấn thương biến dạng cơ thể. Trước đó theo bệnh sử, anh H. bị container cán qua người khi tham gia lưu thông trên đường.
Ngay sau khi nhập viện tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được kích hoạt quy trình báo động đỏ để đưa vào phòng mổ khẩn, chỉ trong vòng 30 phút của "thời gian vàng".
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy bệnh nhân gặp hàng loạt các vấn đề "kinh hoàng" như: dập nát đùi và bẹn trái, rách nát tầng sinh môn, lộ tinh hoàn, mất dương vật, đứt hoàn toàn trực tràng, vỡ bàng quang. Bệnh nhân cũng bị đứt lìa và mất xương chậu trái, gãy xương đòn.
Với tình trạng mắc "Hội chứng tổn thương phức tạp đường tiết niệu dưới", bệnh nhân có thể tử vong vì sốc mất máu, sốc chấn thương, thậm chí còn có thể chết vì đau đớn.
Bệnh nhân trải qua 7 lần hội chẩn liên chuyên khoa, với tổng cộng 10 khoa tham gia điều trị, như: Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Tiết niệu, Ngoại Tiêu hóa, Phỏng - Tạo hình, Ngoại thần kinh, Dinh Dưỡng… Nhiều thời điểm, các bác sĩ đã tính đến trường hợp không thể cứu sống bệnh nhân.
Đại diện khoa Gây mê hồi sức kể lại, nhân lực huy động để gây mê hồi sức cho anh H. gấp 2-3 lần những trường hợp bình thường. Máu cũng được chuẩn bị cực nhiều, vì thời gian phẫu thuật kéo dài sẽ kèm theo nhiều nguy cơ cho bệnh nhân, như mất máu, nhiễm trùng.
Bác sĩ Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình nhận định, với những chấn thương "xé dọc" chi thể như của bệnh nhân H., y văn ghi nhận hơn 90% trường hợp không qua khỏi. Mỗi lần hội chẩn, ekip điều trị phải đưa ra rất nhiều phương án, thay đổi trong từng giai đoạn. Đến nay, tạng của bệnh nhân đã được che phủ, sống được, thực sự là một kỳ tích.
112 ngày giành giật sự sống
Chia sẻ về việc điều trị thế nào khi ruột của bệnh nhân đã lộ ra ngoài, đại diện khoa Nội Tiêu hóa cho biết, nhờ có tấm lưới che phủ mà tạng của bệnh nhân được bảo vệ khỏi những biến chứng của việc nhiễm trùng. Công lao của các điều dưỡng cũng rất lớn, khi mỗi lần thay băng rất cực, chỉ cần trở mình là bệnh nhân đau đớn.
Đại diện khoa Bệnh Nhiệt đới nói thêm, phần da che phủ cho bệnh nhân đã mất, đẩy bệnh nhân vào nguy cơ nhiễm trùng do các tác nhân bên ngoài xâm nhập, như vi khuẩn, vi nấm.
Ở cả 2 đợt điều trị, bệnh nhân đều nằm kéo dài, việc dùng kháng sinh đóng vai trò lớn trong việc kháng vi khuẩn, kháng nấm, hỗ trợ quá trình chống nhiễm trùng. Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng, được khoa Dinh dưỡng tính toán kỹ trong suốt quá trình điều trị.
Các bác sĩ xác định, điều đầu tiên là phải cứu sống bệnh nhân, sau đó bảo toàn các cơ quan và hồi phục chức năng. Mỗi ngày, tình hình của bệnh nhân được báo cáo kỹ càng qua giao ban. Bằng chiến lược điều trị thích hợp qua từng thời điểm, bệnh nhân vượt qua tử thần ngoạn mục sau 112 ngày điều trị, dù hy vọng rất nhỏ.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân cơ bản đã qua giai đoạn nguy hiểm, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề điều trị sau này.
Cụ thể, bệnh nhân chỉ còn một chân, trong tương lai, có thể đi bằng chân giả. Bệnh nhân cũng đã mất tinh hoàn, dương vật và bìu, sắp tới phải dùng liệu pháp nội tiết thay thế. Các bác sĩ cũng hướng đến việc tạo hình cơ quan sinh dục cho bệnh nhân, đặt thể hang nhân tạo để mang lại khả năng sinh lý tốt hơn.
Đến nay, tổng viện phí điều trị của bệnh nhân là 380 triệu đồng, trong đó phần lớn được bảo hiểm y tế chi trả.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp chia sẻ, nếu thực hiện bài bản các quy trình kiểm tra, chụp chiếu, xét nghiệm như thông thường, bệnh nhân sẽ chết. Nhưng nếu không làm đủ mà bệnh nhân có vấn đề gì, người nhà cũng có thể khiếu nại.
"Ở trường hợp này, các bác sĩ cấp cứu đã rất bản lĩnh trong thực hiện quy trình báo động đỏ, là bước đầu trong hành trình cứu sống bệnh nhân. Sau đó, một loạt các chuyên khoa khác được điều phối, phối hợp nhịp nhàng để điều trị. Đây cũng là sức mạnh của Bệnh viện Chợ Rẫy" - bác sĩ Việt nói.
TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, đây là một trường hợp chấn thương hy hữu và rất nặng, rất dễ tử vong. Để cứu được bệnh nhân này là thành quả của sự hội chẩn đa chuyên khoa, sự năng động, sáng tạo trong việc áp dụng các kỹ thuật cho bệnh nhân của các bác sĩ trong từng cuộc mổ, quá trình hồi sức.
Dù bệnh nhân chỉ còn lại một chân, nhưng quan trọng nhất là đã giữ được sự sống. Điều đáng mừng là bệnh nhân có tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào việc trở lại cuộc đời.