Nước mắt người mẹ mất con sau 4 ngày sinh, bé còn lại sống sót "thần kỳ"
(Dân trí) - "Những ngày chứng kiến con phải nằm trong lồng kính, tôi cố gắng không rơi một giọt nước mắt nào. Giờ đây, bé đã vượt qua nguy kịch. Xin cảm ơn các bác sĩ..." - sản phụ sinh non nói trong nước mắt.
Tại chương trình "Ngày thế giới vì trẻ sinh non", diễn ra tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) ngày 17/11, nhiều sản phụ đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về hành trình lần đầu tiên làm mẹ, với những giọt nước mắt đớn đau đến hạnh phúc khi con được cứu sống một cách thần kỳ.
Chị Diễm Châu (quê Kiên Giang) kể, chị mang thai con thứ hai khi đã 39 tuổi, lại trong mùa dịch Covid-19. Khi thai được hơn 30 tuần tuổi, chị phát hiện bị tiểu đường thai kỳ, nhau tiền đạo, tiền sản giật. 10 ngày sau khi chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), các bác sĩ xác định thai kỳ của chị nguy cơ rất cao, phải tiến hành mổ bắt con để giữ an toàn tính mạng.
Cháu bé khi sinh ra khi 34 tuần tuổi nặng vỏn vẹn 0,5kg, sức khỏe rất yếu, khiến người mẹ suy sụp. Những ngày được cho về xuất viện, lòng chị Châu rối bời, không tin con mình có thể sống nổi, dù được gia đình hết sức động viên.
Mãi đến khi bác sĩ thông báo vào viện, ẵm bé từ lồng ấp ra ngoài để mẹ trực tiếp da kề da, chị Châu mới tin con mình đã vượt qua lưỡi hái tử thần. "Hiện tại, con tôi đã nặng 0,7kg, sức khỏe dần cải thiện, mỗi cữ ăn cách 2 tiếng lại uống được 10ml sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Cháu sống rồi" - vợ chồng chị Châu nói trong xúc động.
Còn chị Thủy (quê Quảng Nam) cũng sụt sùi cho biết, khi mang thai 24 tuần tuổi, chị đi khám mới phát hiện cổ tử cung đã mở 2cm. Trước đó vì hiếm muộn, chị Thủy phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, khó khăn lắm mới mang thai một cặp song sinh. Quyết tâm phải giữ được con, người phụ nữ từ Quảng Nam vào TPHCM, tìm đến Bệnh viện Từ Dũ cầu cứu.
Sau 2 tuần cố gắng giữ thai, các bác sĩ phải tiến hành đỡ đẻ cho sản phụ. Sau sinh 4 ngày, vì quá yếu nên một em bé đã mất. Cố nén nỗi đau, bà mẹ quyết tâm phải giữ tinh thần vì đứa con còn lại.
"Những ngày chứng kiến con phải đặt ống thở, nằm trong lồng kính, tôi cố gắng không rơi một giọt nước mắt nào. Giờ đây, bé đã vượt qua nguy kịch. Xin cảm ơn các bác sĩ đã cho tôi có ngày được ôm con vào lòng" - sản phụ mới sinh con đầu lòng nói trong nước mắt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ nhớ lại, bản thân đã từng tiếp nhận một trường hợp sản phụ 20 tuổi, sau khi sinh con ra nặng chỉ hơn 1kg. Ngày bác sĩ giao con cho mẹ, sản phụ bất ngờ dùng tay gạt con ra, vì không nghĩ con lại nhỏ và ốm tong teo như vậy.
Theo bác sĩ Từ Anh, tâm lý một người mẹ khi sinh con ra đều muốn con mình đẹp như "thiên thần". Khi người mẹ lo lắng nhiều thì con cũng dễ tím tái. Với các trường hợp sinh con khi đã lớn tuổi, sự lo lắng còn lớn hơn, nên nhiều trường hợp phải chăm cả mẹ lẫn con. Do đó, việc ổn định tinh thần, tâm lý cho mẹ rất quan trọng.
"Từ khi có ngân hàng sữa mẹ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh đã giảm dần theo thời gian. Với trẻ sinh non, việc ấp Kangaroo là rất cần thiết. Lồng ngực bà mẹ là lồng ấp tuyệt vời nhất, vì nơi đó có trái tim, có tình thương yêu" - bác sĩ Từ Anh nói.
TS.BS Trần Đăng Khoa, Vụ phó, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, với các cố gắng không ngừng của ngành y tế, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ giảm từ 14,7 năm 2015, xuống còn 13,6 năm 2021. Tương ứng ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 22,1 năm 2015, xuống còn 20,5 năm 2021.
Tuy nhiên so với khu vực, tỷ lệ trên ở Việt Nam chỉ đứng hàng thứ 4, và còn khoảng cách rất xa với các nước phát triển. Trên bình diện trong nước, ở các vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ sinh non tử vong gấp đôi khu vực thành thị.
Theo ông Khoa, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là làm sao giảm được khoảng cách trên và ngày càng giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh. Lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em nhận định, để đạt được điều trên, bên cạnh sự nỗ lực, hỗ trợ và các chính sách của Chính phủ và ngành Y tế, còn cần có sự phối hợp của các sở ban ngành và sự chung tay của toàn thể cộng đồng.
Theo Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tỷ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh chiếm khoảng 60% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là do đẻ non/thấp cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%.
Những nguyên nhân này có thể phòng tránh được bằng các biện pháp như: khám thai định kỳ để phát hiện các nguy cơ; sử dụng tốt chế độ dinh dưỡng, luyện tập/lao động cho phụ nữ có thai; chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…