TPHCM
Kỳ tích cứu sống bệnh nhân Covid-19 bị "cơn bão giáp" nguy kịch hiếm gặp
(Dân trí) - Nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 lâm vào "cơn bão giáp" rất hiếm gặp với tỉ lệ 0.2/100.000 trường hợp, biến chứng loạn thần nặng, khả năng tử vong lên đến 30%.
Ngày 3/10, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã cứu sống ngoạn mục một trường hợp nhiễm Covid-19 rất nặng.
Bệnh nhân là bà C.T.T.L. (56 tuổi). Theo bệnh sử, 2 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh 2 ngày, bà L. nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng sốt cao 39 độ C, lạnh run, tiêu chảy, nôn ói, đau bụng quanh rốn, mạch rất nhanh.
Vì xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển khoa Covid-19 B2 tiếp tục điều trị.
Tại đây, các bác sĩ nhận thấy vấn đề không dừng lại ở tình trạng nhiễm trùng đáp ứng kém với kháng sinh về cả lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa nên đã kiểm tra thêm chức năng tuyến giáp để chẩn đoán cường giáp.
Kết quả trả về xác định đây là trường hợp cường giáp (rối loạn nội tiết và chuyển hóa) rất nặng. Hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, ê kíp điều trị chẩn đoán bệnh nhân bị Cơn bão giáp - Cường giáp - Basedow.
Bệnh nhân được dùng thuốc kháng giáp tổng hợp liều cao, Iod vô cơ, Dexamethasone.
Hội chẩn với bác sĩ tim mạch khoa Hồi sức Covid-19 (A2) và siêu âm, bệnh nhân được tiên lượng bệnh rất nặng. Nếu không đáp ứng điều trị nội khoa sau 24h phải chỉ định thay huyết tương để cứu mạng bệnh nhân.
Ngày 13/9, bệnh nhân bắt đầu thay huyết tương liên tục 3 lần trong 5 ngày. Khi tình trạng lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa cải thiện trở lại cũng là lúc bệnh nhân xuất hiện những cơn kích động, la hét, nói sảng.
Hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa tâm thần từ Bệnh viện Tâm thần, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần do bệnh lý nội khoa nặng, được thêm thuốc chống loạn thần Olanzapin.
Đến ngày 18/9, bệnh nhân đã trong tình trạng loạn thần cấp, nhiễm trùng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, giảm tiểu cầu.
Bệnh nhân còn bị đái tháo đường type 2, ăn uống kém.
Khoảng thời gian này vô cùng khó khăn khi ngoài giải quyết các bệnh nền phức tạp, bệnh nhân còn được kết hợp với các bác sĩ vật lý trị liệu để có các bài tập về hô hấp, vận động.
Sau 22 ngày điều trị ròng rã, bệnh nhân hồi phục một cách thần kỳ, các dấu hiệu sinh tồn và tri giác trở lại ổn định.
Bệnh nhân được xuất viện vào ngày 27/9/2021, tiếp tục điều trị thuốc cường giáp, đái tháo đường và được dặn dò kỹ chế độ ăn cũng như tái khám lại nội tiết khi có triệu chứng bất thường.
Theo các bác sĩ, cơn bão giáp là một cấp cứu nội tiết hiếm gặp, đặc trưng bởi biểu hiện lâm sàng nặng lên đột ngột của tình trạng nhiễm độc giáp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tần suất mắc phải cơn bão giáp là 0.2/100.000 bệnh nhân một năm, tỉ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới. Tỉ lệ tử vong của bệnh là 10-20%, thậm chí trên 30% khi xuất hiện tăng thân nhiệt, suy tim và rối loạn nhịp.
Thành công trong việc cứu sống bệnh nhân là kết quả của việc phối hợp nhiều chuyên khoa.
"Việc phát hiện bệnh lý kịp thời và điều trị tích cực là yếu tố quyết định tăng tỉ lệ sống còn cho bệnh nhân. Khi điều trị nội khoa không hiệu quả trong vòng 24 giờ, thay huyết tương nên được đặt ra để cứu sống người bệnh vì đó là "vũ khí" mà chúng ta có thể dùng phối hợp với điều trị nội khoa tích cực" - bác sĩ điều trị cho biết.
Ngoài trường hợp trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng vừa phối hợp đa mô thức giúp một bệnh nhân Covid-19 70 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tổn thương phổi nặng kèm theo choáng nhiễm trùng, phục hồi ngoạn mục sau 2 tuần điều trị tích cực.