Bệnh viện ở TPHCM mua máy móc 120 tỷ đồng, bác sĩ thoát cảnh làm đến sáng
(Dân trí) - "Trước đây khi mới chỉ có 3 máy DSA, ngày nào chúng tôi cũng làm đến nửa đêm, thậm chí có những lúc phải làm đến 2h sáng, vì bệnh nhân đợi rất nhiều", Giám đốc bệnh viện công ở TPHCM chia sẻ.
Ngày 10/12, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) đã tổ chức lễ khai trương Khu Chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao.
Hơn 120 tỷ đồng đầu tư thiết bị y tế kỹ thuật cao
Phó giáo sư Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, đây là thành quả từ dự án Phục hồi kinh tế của Chính phủ. Theo đó, có 3 thiết bị y tế thế hệ mới được trang bị ở Khu Chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao của đơn vị, hứa hẹn mang lại những thay đổi đột phá trong công tác chẩn đoán và điều trị.
Thiết bị thứ nhất là máy cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla. Đây là một trong những thiết bị tiên tiến nhất trong lĩnh vực cộng hưởng từ, với khả năng cung cấp hình ảnh chẩn đoán độ phân giải cao, sắc nét và chi tiết.
Máy có thể khảo sát các vùng khó tiếp cận như não, cột sống, khớp và các cơ quan nội tạng, hỗ trợ phát hiện sớm và chính xác các bệnh lý thần kinh, cột sống, u bướu, và nhiều bệnh lý phức tạp khác. Đặc biệt, công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến của máy giúp giảm thời gian chụp mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Thiết bị thứ hai là hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) 1 bình diện. Hệ thống này cho phép hiển thị hình ảnh mạch máu với độ sắc nét cao, hỗ trợ các thủ thuật can thiệp như đặt stent, nong mạch, tắc mạch hóa chất điều trị ung thư, hay xử lý phình và tắc nghẽn động mạch.
Sự tích hợp trí tuệ nhân tạo và điều khiển tự động trong hệ thống giúp đảm bảo độ chính xác tuyệt đối với các can thiệp y khoa phức tạp.
Cuối cùng là hệ thống máy Spectral CT7500, có sự tham gia của AI. Với công nghệ cắt lớp siêu mỏng và tốc độ xử lý nhanh vượt trội, thiết bị này mang lại hình ảnh 3D chi tiết và rõ nét.
Máy cho phép quét toàn thân chỉ trong vài giây, đặc biệt hữu ích trong các tình huống cấp cứu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay tai nạn nặng.
Bên cạnh đó, máy còn có chức năng giảm liều tia X, vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh mà vẫn duy trì độ chính xác cao trong chẩn đoán. Đáng chú ý, Bệnh viện Thống Nhất là đơn vị đầu tiên trong cả nước, thứ tư ở khu vực Đông Nam Á trang bị máy này.
Tổng cộng, 3 hệ thống máy chẩn đoán hình ảnh trên có giá trị hơn 120 tỷ đồng.
Vẫn chưa đủ với nhu cầu bệnh nhân
Phó giáo sư Lê Đình Thanh chia sẻ, trước khi có các hệ thống trên, đơn vị cũng từng gặp khó khăn về máy móc, trang thiết bị y tế. Cụ thể, trước đây bệnh viện có 2 máy CT, nhưng sau đó bị hỏng 1 cái, cái còn lại được nâng cấp lên 128 lát cắt và phải hoạt động hết công suất.
Việc trang bị máy Spectral CT7500 hiện đại là điều Bệnh viện Thống Nhất mong muốn rất lâu, nhưng nay mới thực hiện được.
Tương tự, bệnh viện từng có 3 máy chụp DSA, và sau thời gian dài hoạt động cũng hỏng một máy, phải tiến hành sửa chữa.
"Bây giờ sau khi trang bị thêm, bệnh viện đã có 4 máy DSA nhưng vẫn không đủ. Trước đây khi mới chỉ có 3 máy DSA, ngày nào chúng tôi cũng làm đến nửa đêm, thậm chí có những lúc phải làm đến 2h sáng, vì bà con và bệnh nhân đợi rất nhiều.
Do đó, khi có thiết bị mới này, chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân và phát triển các kỹ thuật cao, để làm sao can thiệp tối thiểu mà hiệu quả tối đa, giảm thiểu các tai biến", Phó giáo sư Lê Đình Thanh chia sẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cho biết thêm, cùng với việc xây dựng khu chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao, đơn vị đã sắp xếp lại hệ thống các khoa cận lâm sàng, bao gồm Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng và Nội soi, Vi sinh, Hóa sinh, Huyết học thành một khu liên hoàn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO.
Từ đó, đem lại sự thuận tiện hơn cho người bệnh, đồng thời hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tối ưu hóa quy trình chẩn đoán và điều trị, nâng cao hiệu quả công việc, mang lại chất lượng khám, chữa bệnh tốt hơn.