Bệnh nhân chờ đợi, bác sĩ tăng ca vì bệnh viện thiếu thiết bị
(Dân trí) - Thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tại Nghệ An gần như bị "đóng băng".
Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang trở thành vấn đề nhức nhối.
Nhiều bệnh viện thiếu những trang thiết bị cấp thiết, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các bệnh viện, mà còn tác động lớn đến quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh viện lao đao vì thiếu thiết bị y tế
Đơn cử, tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, mỗi năm bệnh viện này có hơn 280.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Thậm chí bệnh viện phải đi thuê một số máy móc để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh chia sẻ, nhiều trang thiết bị của đơn vị đã được trang bị từ năm 2012, một số máy móc đã quá cũ không thể sử dụng. Trong khi đó, nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân rất lớn.
Cụ thể như hệ thống máy nội soi, đã được trang bị hơn 10 năm. Đến thời điểm này, máy nội soi đã phải "đắp chiếu", bệnh viện phải đi thuê máy để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân.
Hay như hệ thống máy tán sỏi thận, đơn vị này cũng phải đi thuê theo từng ca với giá 10 triệu đồng. Trong khi đó, khoa thận là một trong những khoa thế mạnh của bệnh viện, việc trang bị máy tán sỏi thận là rất cấp thiết.
Hơn 2 năm không sắm được thiết bị mới
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đang thiếu hơn 200 giường bệnh, thiếu máy nội soi tiêu hóa, máy tán sỏi thận, máy siêu âm màu, hệ thống nội soi gây mê, hệ thống đèn chiếu trong phòng mổ… cùng nhiều trang thiết bị y tế khác.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, thừa nhận trong hơn 2 năm qua, đơn vị chưa mua sắm được thêm thiết bị mới. Thiếu trang thiết bị y tế, nhiều năm nay, bác sĩ tại bệnh viện này phải tăng ca vào thứ 7 và chủ nhật.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, lượng bệnh nhân đến đăng ký khám bệnh rất đông. Trước các phòng kỹ thuật như chụp X-Quang, nội soi, chụp CT luôn có bệnh nhân phải ngồi chờ.
Tại phòng nội soi, một hệ thống máy nội soi đã lâu không được sử dụng. Bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật cho bệnh nhân bằng một hệ thống máy khác được bệnh viện thuê về.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh hiện có nguồn vốn phát triển sự nghiệp được tích lũy trong quá trình hoạt động. Đây là nguồn tiền của đơn vị, dùng để mua sắm các trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, các bước để đầu tư, đấu thầu mua sắm trang thiết bị phải qua nhiều thủ tục. Vì thế mặc dù BV có tiền nhưng vẫn chưa mua được thiết bị để phục vụ bệnh nhân.
Đơn cử như máy tán sỏi thận laze, trị giá hơn 4 tỷ đồng, trong 6 tháng qua, đơn vị này đã thực hiện các thủ tục nhưng đến nay đang vướng mắc và chưa mua được thiết bị này và chấp nhận tiếp tục đi thuê để sử dụng.
Mặc dù trong thời điểm "nhạy cảm", tuy nhiên ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh vẫn quyết định thực hiện liên doanh, liên kết với một số đơn vị cung cấp hệ thống thiết bị như máy chụp cộng hưởng động mạch vành, tầm soát đột quỵ, máy chụp CT nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.