1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Nhi TƯ: Hơn 300 ca tay chân miệng phải nhập viện

(Dân trí) - Tại bệnh viện Nhi TƯ trung bình mỗi ngày có 10-20 trẻ tay chân miệng nhập viện và đã có một số trường hợp nặng phải lọc máu điều trị. Đáng nói, nhiều trẻ bị tay chân miệng nhưng không có biểu hiện lâm sàng khiến việc chẩn bệnh khó khăn hơn.

Dịch đến sớm

TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, năm nay dịch tay chân miệng ở miền Bắc đến sớm hơn mọi năm. Như năm 2011, từ tháng 5 trở đi số ca mắc mới gia tăng, nhưng năm nay, thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng 10-18 ca tay chân miệng nhập viện, cao điểm tới 20 ca/ngày. Con số nhập viện thường chiếm khoảng 10% số bệnh nhân tới khám.

Đến nay, tại khoa Truyền nhiễm đã có 320 trường hợp nhập viện, so với cả năm 2011 có 1.200 bệnh nhân. Điều bất thường là rất nhiều ca bệnh có triệu chứng không điển hình, nhưng lại diễn biến nhanh, đặc biệt là trên trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và đã mắc sẵn một căn bệnh mãn tính nào đó như tim bẩm sinh, ung thư, bệnh thận…
 
Bệnh viện Nhi TƯ: Hơn 300 ca tay chân miệng phải nhập viện
Một trường hợp mắc tay chân miệng đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ). Ảnh: H.Hải

Cùng với miền Bắc, dịch tay chân miệng (TCM) trong cả nước đều đến sớm hơn mọi năm. Ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đền thời điểm hiện tại cả nước đã ghi nhận 12.442 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 11 trường hợp tử vong, số mắc đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Đang chăm con tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ), mẹ bé N.H.M (11 tháng tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày 10/3 con chị có biểu hiện sốt cao, hay bị giật mình, nghĩ con sốt vi-rút nên đã khám tư và theo dõi hạ sốt tại nhà. Sau 2 ngày, thấy ở tay chân miệng của con có xuất hiện nốt phỏng nước, gia đình tức tốc đưa bé nhập viện ngay trong tối.

“Vào viện, cháu bé đã có biểu hiện biến chứng ở não như ngủ lơ mơ, dễ bị kích thích, giật mình. Đây chính là một trường hợp tiêu biểu của bệnh TCM nhưng không có triệu chứng điển hình, sau 3 ngày sốt, giật mình mới xuất hiện nốt phỏng”, BS.ThS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm nói.

Luôn phải cảnh giác với bệnh

TS Lê Thanh Hải cho biết, bệnh tay chân miệng do nhiều tuýp vi-rút gây ra và phần lớn các trẻ mắc bệnh có dấu hiệu điển hình là các tổn thương phỏng nước ở niêm mạc miệng, tay, chân nên dễ nhận diện nhưng năm nay, có một điều đặc biệt là nhiều ca bệnh không có các biểu hiện lâm sàng điển hình ngay từ đầu mà đã có tác động vào các hệ thống như hô hấp, tuần hoàn và thần kinh…

“Những ca bệnh này quả là khó và nan giải với các tuyến cơ sở. Bởi triệu chứng rất kín đáo, không có tổn thương phỏng nước rõ ràng. Còn khi đã điển hình rồi, xuất hiện các nốt phỏng nước thì bệnh cảnh rất nặng. Có lẽ do chủng vi rút bắt đầu có những thay đổi khiến tỉ lệ mắc do vi-rút EV 71 tăng lên. Khi mắc thể này, biểu hiện lâm sàng không rõ ràng như các chủng khác nên người mẹ lúc nào cũng phải cảnh giác theo dõi những bất thường ở trẻ khi trẻ có ốm, sốt cao trong thời điểm này”, TS Hải cảnh báo.

BS Đỗ Thiện Hải dự báo, thời gian tới số ca mắc TCM có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết nắng ấm, độ ẩm cao thuận lợi cho vi-rút phát triển. “Đặc biệt cần lưa ý rửa tay bằng xà phòng vì chỉ có khoảng 25% trẻ TCM có yếu tố dịch tễ còn lại lây từ người lớn”, BS Hải khẳng định.

BS Hải dẫn chứng về 7 trẻ ở Hải Phòng nhập viện Nhi TƯ điều trị trước đó. Hai gia đình này là hàng xóm kề cửa, một nhà có 3 trẻ, nhà khác có 4 trẻ thì tất cả các cháu đều mắc bệnh.
 

Vệ sinh bàn tay sạch chính là vấn đề cốt lõi nhất trong phòng bệnh tay chân miệng. Rửa tay sạch bằng xà phòng không chỉ phòng bệnh tay chân miệng mà còn phòng được nhiều bệnh khác như cúm, bệnh tiêu hóa khác.

Tuy nhiên, có tới hơn 70% bệnh nhi TCM tại viện không tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh (như ở nhà có người mắc bệnh, ở lớp của anh, chị em có người mắc bệnh. Vậy thì nguồn bệnh chính là người lớn đã làm cầu trung gian truyền bệnh từ trẻ này sang trẻ khác. Do đó, rửa tay bằng xà phòng không chỉ là việc khuyến cáo với trẻ em mà còn đối với cả người lớn, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, và cả sau khi trở về từ bệnh viện, đi đường về”, BS Hải nói.

“Phải cảnh giác theo dõi phát hiện sớm bệnh ở con với những trường hợp không điển hình, sốt cao liên tục nhưng các bà mẹ cũng không nên quá hoang mang lo lắng. Vì với bệnh TCM, không phải là trường hợp nào cũng nhất thiết phải nằm bệnh viện theo dõi mà hơn 90% tự khỏi, chỉ khoảng 5% phải nhập viện điều trị. Đây là những trẻ thường sốt cao 39 - 40 độ, có các biểu hiện tiêu hóa, thần kinh, hô hấp như trẻ ho, nôn trớ, tiêu chảy, rung giật chân tay, ăn ngủ kém… thì phải nằm viện điều trị. Còn nếu thấy con mình có thể có các nốt phỏng ở chân, tay, thậm chí ở miệng vẫn ăn tốt, chơi tốt, không có sốt cao không nên quá lo lắng nhưng cũng nên đưa đi khám để được theo dõi, cách ly cho tốt, chăm sóc đặc biệt hơn, vệ sinh đảm bảo hơn”, TS Hải nói.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm