1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh tay chân miệng tái phát theo chiều hướng nguy hiểm

(Dân trí) – Bắt đầu từ tháng 3, bệnh tay chân miệng đã tăng trở lại, một số nơi bệnh diễn tiến theo chiều hướng đặc biệt nguy hiểm. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, trong số hơn 50 ca đang nằm viện có tới 10 ca bệnh nặng từ độ 2B trở lên.

Số ca bệnh TCM nặng tăng nhanh tại bệnh viện bệnh Nhiệt Đới
Số ca bệnh TCM nặng tăng nhanh tại bệnh viện bệnh Nhiệt Đới

BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc Nhi, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho biết: “Hiện khoa đang điều trị cho 53 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng TCM. So với thời điểm cuối năm trước và đầu năm 2013 số ca bệnh TCM chỉ vài chục ca, rất ít ca bệnh nặng thì từ đầu tháng 3 đến nay, bệnh nhân tay chân miệng đã bắt đầu tăng cao theo chiều hướng nguy hiểm.

Số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TCM thành phố, ngày 26/3 tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có hơn 30 ca tay chân miệng, trong đó có 1 ca độ 3. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 28/3 có 48 ca nhưng cũng chỉ có 1 ca nặng độ 2B. Tuy nhiên, tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, số ca bệnh TCM nặng tăng đột biến theo chiều hướng nguy hiểm. Trong số 10 ca bệnh nặng có 6 ca mắc bệnh độ IIB; 3 ca độ III và 1 ca độ IV phải thở máy, lọc máu trong tình trạng nguy kịch.

BS Phan Tứ Quý cho biết thêm, hầu hết những ca bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện được chuyển đến từ khu vực huyện Cần Đước tỉnh Long An và huyện Bình Chánh TPHCM. Ca bệnh nặng độ IV của bệnh nhi L.T.K. (5,5 tháng tuổi) và bé gái L.T.L (4 tuổi) mắc TCM độ III là hai chị em ruột cùng mắc.

Bác sĩ đang điều trị tích cực cho cháu bé mắc TCM độ IV
Bác sĩ đang điều trị tích cực cho cháu bé mắc TCM độ IV

Trước diễn tiến theo chiều hướng nguy hiểm của bệnh TCM, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động phòng chống bệnh cho con em mình bằng các phương pháp vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần bằng dung dịch sát khuẩn tại khu vực các bé sinh hoạt vui chơi; rửa tay bằng xà bông trước khi tiếp xúc với bé; giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể của trẻ và người giữ trẻ.

Khi thấy trẻ có các biểu hiện: nóng sốt; đau họng, chảy nước bọt liên tục; biếng ăn hoặc bỏ ăn; khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường; nổi bóng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, loét đỏ ở miệng… Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm