1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp trên diện rộng

(Dân trí) - Bệnh tay chân miệng chỉ đứng sau bệnh tiêu chảy về số người mắc 2012. Ngoài ra, số trường hợp tử vong hiện đứng thứ 3 sau bệnh dại và sốt xuất huyết”, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng, cho biết.

Trẻ dưới 3 tuổi tử vong nhiều nhất

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc gia về bệnh tay chân miệng diễn ra ngày 4-5/4, do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ở Hà Nội.
 

Số người mắc tay chân miệng đứng thứ 2 trong các bệnh truyền nhiễm


Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tổng số ca mắc tay chân miệng thì số ca dương tính với vi rút EV71 là rất cao, trung bình khoảng 60-65% trong năm 2 năm vừa qua và cao nhất là khu vực phía Nam (71 - 80%).
 
“Thống kê cũng cho thấy, số ca tử vong chủ yếu là do EV 71 gây ra và chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi (75-86% trong 3 năm qua). Riêng đầu năm 2013, cả 4 ca tử vong đều 100% do vi rút EV 71”, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.
 
Tỷ lệ tử vong tại năm 2011 tại BV tuyến TƯ giảm dần trong khi tử vong tại tuyến tỉnh lại tăng. Cụ thể, năm 2011, 45,3% ca tử vong; 2012 là 64,4% và cả 4 ca tử vong đầu năm 2013 đều ở tuyến tỉnh.

Không có trường hợp tử vong vì tay chân miệng năm 2012 trong vòng 24 giờ, chủ yếu là tử vong sau 48 giờ (gần 84%), còn lại là trong vòng 24 - 48 giờ.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vi rút gây bệnh tay chân miệng có nhiều chủng khác nhau, trong đó EV71 có độc lực cao và khả năng lây lan rất nhanh. Vi rút EV71 là loại vi rút này gây bệnh tay-chân-miệng nặng nhất với các biểu hiện sốt cao, nổi mụn đỏ ở chân, tay, miệng và biến chứng nặng nhất là sốt li bì, viêm màng não, viêm não…

Còn diễn biến phức tạp

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng được ghi nhận từ năm 2003 với những ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua, số người mắc bệnh này tại Việt Nam không ngừng gia tăng.
 
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, năm 2011 tại Việt Nam có hơn 113. 000 trường hợp mắc, tử vong 17 trường hợp. Năm 2012 có 157.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 45 trường hợp tử vong. Số ca mắc, tử vong do bệnh tay chân miệng cao nhất tập trung ở các tỉnh phía Nam. Năm 2011 và 2012 tỷ lệ tử vong ở khu vực phía Nam cao gấp hơn 2 lần so với mức chung của cả nước.

“Với con số mắc, tử vong này, bệnh tay chân miệng là bệnh đứng thứ 2 trong số 10 bệnh truyền nhiễm có số người mắc cao nhất tại Việt Nam năm 2012 (sau bệnh tiêu chảy) và đây cũng là bệnh có số trường hợp tử vong đứng thứ 3 sau bệnh dại và sốt xuất huyết”, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng cho biết.

Cũng theo ông Khoa, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 14.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 4 người tử vong. Điều này cho thấy, tình hình bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên diện rộng trong năm nay.

Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển nhận định: “Dịch tay chân miệng tăng nhanh với số người mắc rất cao trong năm 2011, 2012 và sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm nay dù ca mắc đến giờ phút này có vẻ thấp hơn. Tuy nhiên đỉnh của dịch tay chân miệng rơi vào tháng 4, tháng 9 hàng năm vì thế, chúng ta vẫn cần tăng cường giám sát dịch bệnh”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, hiện nay bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh mới nổi đang thu hút được quan tâm của nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Bệnh lây qua đường phân, do vậy, rất dễ lây lan qua ăn uống nếu khâu vệ sinh kém, phân không được xử lý. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. Đến nay, vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng, chưa có thuốc đặc trị cho bệnh này, vì thế, khả năng lây lan, diễn biến phức tạp của bệnh là rất lớn. Vì thế, để chủ động phòng chống bệnh, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động như phối hợp liên ngành huy động các ban ngành đoàn thể, xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ đang đề xuất nghiên cứu việc sản xuất và thử nghiệm vắc xin phòng chống bệnh tay chân miệng tại Việt Nam.

Hồng Hải