TPHCM:
Phòng chống tay-chân-miệng: Y tế “đánh xuôi”, giáo dục “thổi ngược”
(Dân trí) - Trong khi ngành Y tế ra sức tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia phòng chống dịch tay chân miệng mỗi ngày một “nóng” thì nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố đang thực hiện theo kiểu đối phó thậm chí giấu ca bệnh không báo cáo.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã có 1.836 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trong đó có 2 ca tử vong. Hiện loại bệnh này đã xuất hiện ở gần 70% phường xã, tập trung chủ yếu tại các quận huyện vùng ven như Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12… Tuy nhiên, những con số nói trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bởi số ca mắc bệnh không được đưa đến bệnh viện hoặc chưa được khai báo, thống kê còn nhiều trong cộng đồng.
Tại buổi làm việc giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong công tác phòng chống bệnh TCM (ngày 4/4), nhiều hạn chế đã được vạch ra. Cụ thể, trong thời gian từ ngày 10/2 - 23/3 Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát bệnh TCM tại 10 trường mầm non trên địa bàn, đã phát hiện 41 trường hợp trẻ mắc bệnh tại 16 lớp học, nhiều trường có “chùm bệnh” như trường mầm non 19/5 (quận 7) có 5 ca bệnh trong 4 lớp; trường mầm non Bông Sen (Q. 8) có 5 ca bệnh trong 3 lớp; mầm non Sơn Ca (quận 5) có 5 ca bệnh trong một lớp…
Khảo sát về kiến thức phòng chống bệnh tay chân miệng trên Dantri.com.vn cho thấy, sự hiểu biết về bệnh này khá tốt. Cụ thể:
- 75% (33.510 vote) tin rằng rửa tay và khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi sạch sẽ sẽ giúp phòng bệnh.
- 8% (3.700 vote) cho rằng nên cho trẻ hạn chế tiếp xúc với nhau để ngăn ngừa sự lây lan bệnh tay chân miệng trong cộng đồng. - 17% cho rằng chẳng có cách nào thực sự hiệu quả. |
Nhiều khó khăn khác nhà trường đang phải đối mặt đó là tình trạng học sinh mắc bệnh nhưng vẫn được phụ huynh đưa đến trường vì nhiều lý do khác nhau như “con tôi không mắc bệnh TCM”, “Bệnh nhẹ không sao”... hoặc không báo cáo mà vẫn âm thầm gửi con để đi làm. Trong khi đó, nhiều giáo viên không nhận biết được những biểu hiện của bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm TCM trong môi trường học đường tăng cao.
Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, quận vừa có một trẻ tử vong tại trường Mần non 9, cho biết: “Nhiệm vụ của ngành giáo dục là việc dạy và học, nhưng thời gian vừa qua chúng tôi đã phải gánh thêm cả việc phòng chống dịch bệnh. Giáo viên phải tăng ca để làm những công việc ngoài trách nhiệm của mình nhưng không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào, trong khi nhân viên ngành y tế tham gia phòng chống dịch thì lại được hưởng…. Việc thanh kiểm tra liên tục của ngành y tế sau khi có ca bệnh xảy ra trên địa bàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của giáo viên và học sinh”.
Công tác phòng chống TCM của ngành Y tế đang vấp phải lực cản lớn khi đối mặt với những cuộc tranh luận nảy lửa của ngành giáo dục về vấn đề song song giữa “quyền lợi và nghĩa vụ”. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế, đề nghị Trung tâm y tế, Phòng giáo dục tại các quận huyện cần sớm có đề xuất lên UBND các cấp để xin thêm kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Vân Sơn