"Bệnh từ miệng mà vào" - biết điều này để sống thọ khỏe mạnh
(Dân trí) - Những gì bạn chọn ăn có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tổng thể của bạn. Vì thế, nếu bây giờ chúng ta không coi ăn như là thuốc, thì đến một lúc nào đó sẽ phải uống thuốc như ăn.
Đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Duy Cương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học về Giáo dục Đào tạo, hợp tác quốc tế, Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại lễ ra mắt viện diễn ra tại Hà Nội sáng 12/5.
Chia sẻ về mối liên hệ giữa văn hóa và sức khỏe cộng đồng, ông Cương cho biết, văn hóa được xây dựng từ ngàn đời, phát triển như cái cây, chi phối hành vi con người, trong con người có hành vi ăn, uống, ngủ, nghỉ và vui chơi, giải trí, ăn được nâng cấp văn hóa thành ẩm thực.
"Văn hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Nó chính là cách ăn, cách uống, cách chế biến thức ăn, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, các hoạt động vui chơi…, tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Việt Nam đang đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng, trong đó có vấn đề thừa cân béo phì, trẻ em cũng béo phì, các bệnh rối loạn chuyển hóa", ông Cương nói.
Theo ông, ngày nay do hội nhập kinh tế toàn cầu, người Việt bị ảnh hưởng bởi văn hóa ăn, ăn đồ ăn nhanh nhiều hơn, không có thời gian chế biến thức ăn, không ăn nhiều rau, lười vận động… Cũng vì thế, người Việt Nam bị béo phì sớm hơn, đột quỵ sớm hơn.
"Người có sức khỏe thì có trăm ngàn ước mơ, người không có sức khỏe thì chỉ có một ước mơ duy nhất là được khỏe mạnh. Vì thế, nếu chúng ta không coi ăn như là thuốc, thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải uống thuốc như là ăn", ông Cương nói.
Nghiên cứu cho thấy thói quen ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Nhiều chất dinh dưỡng trong thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe và bảo vệ cơ thể bạn khỏi bệnh tật.
Chế độ ăn uống của phương Tây - nhiều thực phẩm chế biến sẵn và ít thực phẩm nguyên chất như sản phẩm tươi sống - thường thiếu vitamin và khoáng chất. Những thực phẩm chế biến sẵn này gây hại cho vi khuẩn đường ruột của bạn và thúc đẩy tình trạng kháng insulin, viêm mãn tính và nguy cơ mắc bệnh tổng thể. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là cần giáo dục cộng đồng.
Viện Phát triển văn hóa Chăm sóc sức khỏe cộng đồng thành lập từ năm 2019, sau đó đổi tên thành Viện Phát triển văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào năm 2023.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, thời gian qua, Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa để khẳng định vai trò của văn hóa và công tác chăm sóc sức khỏe trong xã hội.
Vì thế, sự ra đời của Viện Phát triển văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng mang ý nghĩa lớn, góp phần thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ đó.