1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh truyền nhiễm đe dọa cộng đồng trong mùa đông xuân

(Dân trí) - Năm 2017, Việt Nam không phải đối mặt với những loại bệnh nguy hiểm mới nổi, tuy nhiên bước vào mùa đông xuân các loại bệnh truyền nhiễm sẽ diễn biến khó lường. Bộ trưởng Y tế đề nghị các đơn vị liên quan tập trung công tác phòng chống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân (ngày 4/1), năm 2017 một số loại bệnh truyền nhiễm đã có thời điểm lây lan trên diện rộng như sốt xuất huyết, dịch sởi tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng ở khu vực phía Nam, bệnh sốt rét tại khu vực Tây Nguyên, bệnh thủy đậu rải rác nhiều ca trên phạm vi cả nước.

Trẻ nhỏ và người lớn tuổi là nhóm dễ bị các bệnh truyền nhiễm theo mùa tấn công
Trẻ nhỏ và người lớn tuổi là nhóm dễ bị các bệnh truyền nhiễm theo mùa tấn công

Những nỗ lực trong công tác phòng và dập dịch đến nay đã khống chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, bước vào mùa đông xuân thời tiết lạnh, ẩm độ cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh như sởi, ho gà, cúm mùa, cúm gia cầm… phát triển. Bên cạnh đó các loại bệnh khác như liên cầu lợn, viêm não mô cầu đang lưu hành tiềm ẩn nguy hiểm đối với cộng đồng.

Đáng lo ngại hơn, việc tiêm chủng nhiều loại bệnh truyền nhiễm hiện nay chưa đạt độ bao phủ đủ để bảo vệ cộng đồng trong khi mùa đông xuân là thời điểm Tết - lễ hội, người dân thường tập trung đông tại một số khu vực nhất định để vui chơi, mua sắm nên nguy cơ bệnh lây lan luôn ở mức rất cao. Nếu không có những giải pháp phòng bệnh hiệu quả thì cộng đồng sẽ phải đối mặt với nhiều loại bệnh truyền nhiễm đặc biệt là đối tượng người lớn tuổi, trẻ em.

Ở lĩnh vực điều trị, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay: Hiện nay, công tác chẩn đoán điều trị đã được tăng cường, song ở những bệnh viện tuyến cơ sở trình độ chuyên môn của nhiều bác sĩ trẻ còn hạn chế đang là vấn đề khó khăn trong công tác chẩn đoán, thu dung, phân loại bệnh, phân tuyến điều trị.


Giải quyết quá tải là vấn đề sống còn giảm nhiễm chéo trong điều trị.

Giải quyết quá tải là vấn đề sống còn giảm nhiễm chéo trong điều trị.

Mặt khác, tại nhiều bệnh viện cơ sở vật chất đã xuống cấp, quá tải người bệnh nên nguy cơ nhiễm chéo trong quá trình diều trị, đặc biệt là nhóm bệnh nặng khiến nguy cơ tử vong luôn ở mức cao. Ông Khoa cho biết, để sẵn sàng ứng phó với những loại bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đề nghị các bệnh viện tăng cường công tác chuyên môn, sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị người bệnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra: Mùa đông xuân là thời điểm nhiều loại bệnh truyền nhiễm diễn biến nguy hiểm, tuy nhiên đây là những loại dịch bệnh theo mùa “đến hẹn lại lên”. Công tác phòng bệnh phải thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng đây là thời điểm quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, khống chế dịch bệnh ngay từ thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, thông tin từ Bộ trưởng Kim Tiến cho hay, hiện dịch cúm đang bùng phát tại Anh khiến quốc gia này phải ngưng phẫu thuật cho 50.000 ca. Dịch bệnh hiện nay mang tính toàn cầu, nguy cơ lây lan từ vùng này sang vùng khác có thể chỉ tính bằng giờ nên công tác phòng bệnh tuyệt đối không được chủ quan.

Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các đơn vị chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân
Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các đơn vị chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, Bộ trưởng yêu cầu lĩnh vực dự phòng cần tăng cường công tác tuyên truyền những giải pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; triển khai tiêm chủng, tiêm vét và tiêm nhắc cho những nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao; khi có ổ bệnh phải kịp thời khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng.

Ở lĩnh vực điều trị, Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh: “Hơn 100 ca tử vong vì sởi tại Hà Nội trong năm 2014 là bài học rất đắt, trẻ chết phần lớn không phải do bệnh sởi mà là do nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện với những nguyên nhân chính như viêm phổi, suy đa phủ tạng, suy hô hấp”.

Để tránh lặp lại tình trạng trên bà yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẩn trương triển khai các giải pháp tại cơ sở điều trị như: tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho những bác sĩ trẻ, còn thiếu kinh nghiệm; phối hợp chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến cơ sở, kịp thời cứu chữa người bệnh. Cần phải thực hiện tốt công tác sàng lọc bệnh, phân tuyến để tránh nguy cơ quá tải; triệt để thực hiện những giải pháp rửa tay thường xuyên, vệ sinh môi trường trong phòng điều trị bệnh, đảm bảo thông thoáng khí, tổ chức tập huấn cho cả nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân về các biện pháp chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm