Bệnh thủy đậu lan khắp cả nước, tăng 46%

(Dân trí) - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2017 cả nước ghi nhận gần 39 nghìn ca mắc thủy đậu. Căn bệnh này có xu hướng tăng mạnh vào mùa xuân, đỉnh số ca mắc thường rơi vào tháng 3.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018 diễn ra ngày 4/1, TS Phu cho biết số ca mắc thủy đậu năm 2017 tăng 45,9% so với năm 2016, quy mô gần như khắp cả nước.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong năm 2017 số ca mắc thủy đậu tăng gần 50% so với năm trước đó, dự báo mùa xuân tới bệnh còn gia tăng. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong năm 2017 số ca mắc thủy đậu tăng gần 50% so với năm trước đó, dự báo mùa xuân tới bệnh còn gia tăng. Ảnh: H.Hải

Bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, bắt đầu tăng vào tháng 1, tăng mạnh, đỉnh điểm vào tháng 3 với khoảng 8000 ca mắc, rồi giảm dần. Các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca mắc.

“Bệnh thủy đậu các biểu hiện phần lớn là nhẹ nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vắc xin dịch vụ, độ phủ vắc xin không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều, số người mắc bệnh rất lớn với gần 39 nghìn ca mắc. Bệnh có tốc độ lây lan cao, nên khuyến cáo người dân đi tiêm phòng bệnh tại các điểm tiêm có vắc xin này", TS Phu nói.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết số mắc thủy đậu tại địa phương này cũng rất cao. Vì thế, việc tiêm phòng là biện pháp bảo vệ chủ động nhất với thủy đậu. Cha mẹ nên cho con đi tiêm phòng, nhất là thời điểm mùa xuân đang đến gần.

TS Phu cho biết, thủy đậu dễ lây truyền qua dịch của mụn nước trên da, cảm nhiễm cao. Khi nhiễm bệnh, người bệnh mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Vi rút gây bệnh có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Bên cạnh đó thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Thủy đậu là bệnh lý biểu hiện nhẹ, tỉ lệ để lại biến chứng (viêm não, nhiễm trùng huyết) chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai khi mắc thủy đậu rất đáng ngại, đặc biệt ở giai đoạn đầu của thai kỳ đến khoảng 20 tuần thai nếu mắc thủy đậu rất dễ để lại biến chứng.

TS Phu cho biết, WHO đưa ra khuyến cáo tiêm phòng thủy đậu ở những đối tượng có nguy cơ cao, phụ nữ tuổi sinh đẻ, trẻ em.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm