Bệnh tay chân miệng: Đến lúc tính tới kịch bản xấu nhất
“Với diễn biến phức tạp như hiện nay, đã đến lúc phải nghĩ đến một kịch bản xấu cho bệnh tay chân miệng: 40% và xấu nhất là hơn 60% trẻ dưới năm tuổi tại thành phố mắc bệnh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết ngày 14/7.
Quá tải bệnh nhi bị tay chân miệng tại bệnh viện Nhi đồng 1
“Nếu không tính đến kịch bản này, chúng ta sẽ bị động và không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, BS Khanh nhấn mạnh
Tung cờ trắng đầu hàng!
Minh chứng điều này, BS Khanh dẫn chúng tôi đến phòng bệnh. Hai phòng 107 và 108 được trưng dụng hoàn toàn để điều trị tay chân miệng. Mỗi phòng kê 8 - 10 giường, nhưng bệnh nhi nằm ghép 3 – 4 người/giường. Không đủ chỗ, người nhà kê chiếu cho trẻ nằm xuống dưới đất, nằm lan hai bên hành lang bên ngoài, ra tận cầu thang, thậm chí nằm dọc theo hành lang của khoa tiêu hoá ở tầng trệt! Ước tính ngày hôm qua, tổng số bệnh nhi tay chân miệng điều trị ở bệnh viện Nhi Đồng 1 là 180 ca, trong đó có hàng chục ca thở máy, phải theo dõi sát.
Đặc biệt, sáng qua (14/7) đã có thêm một ca tử vong vì bệnh tay chân miệng tại bệnh viện này. Đó là một bệnh nhi ba tuổi từ tỉnh chuyển lên. Vài giờ trước đó bé còn tỉnh táo, nhưng không lâu sau, bệnh trở nặng. Mặc dù được tích cực chữa trị tại khoa hồi sức cấp cứu nhưng bé vẫn không qua khỏi.
“Quá bất thường. Với tình hình này, ngành y tế thành phố chỉ còn biết tung cờ trắng đầu hàng!”, BS Khanh chia sẻ. Thật vậy, những năm trước thời điểm này chỉ đếm được trên đầu ngón tay vài ca tay chân miệng, thế mà năm nay lại có hàng trăm ca.
Tình hình ở bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng không khác. BS Trần Thị Thuý, phó khoa nhiễm, cho biết có khoảng 170 ca nội trú, trong đó có một trẻ nặng phải thở máy. Và không chỉ TP.HCM, dịch tay chân miệng đang hoành hành ở 19 tỉnh/thành phố khác ở phía Nam.
Một mình ngành y tế chống trả
Từ đầu mùa tay chân miệng (tháng 3/2011) đến nay đã có hàng chục cuộc họp triển khai phòng chống tay chân miệng, từ UBND thành phố đến sở y tế rồi quận/huyện nhưng xem ra tình hình không cải thiện mà còn có nguy cơ tăng mạnh hơn nữa. Vì sao có chuyện này?
Tiếp xúc với chúng tôi, BS Đặng Thế Hệ, Giám đốc TT Y tế dự phòng quận 8, TPHCM, cho biết từ đầu mùa dịch đến nay toàn địa bàn có 440 ca mắc tay chân miệng, trong đó có ba ca tử vong. Bùng phát dịch tay chân miệng trên địa bàn quận 8 khiến cho 16 trường mầm non công lập phải đóng cửa.
Hôm qua (14/7), bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, phó chủ tịch UBND quận 8, nhận định rằng công tác phòng chống dịch trên địa bàn chưa tốt. Sau khi kiểm tra thực tế tại quận 8, BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng thừa nhận chuyện này: “Mặc dù ngành y tế có nhiều nỗ lực, nhưng hiệu quả chống dịch chưa cao vì một số người dân vẫn chưa được trang bị tốt kiến thức về bệnh tay chân miệng. Điều này cho thấy cán bộ y tế vẫn chưa đi sát quần chúng”.
Trả lời chúng tôi, bà Anh, ngụ tại phường 11, quận 8, nói: “Nhà tôi được nhân viên y tế phát một bịch cloramin B có kèm giấy hướng dẫn. Nhưng khi mở ra thấy quá hôi, tôi mang đi… rửa nhà cầu!”.
Tình hình bệnh tay chân miệng quả là đáng báo động, nhưng dường như chỉ có ngành y tế đơn độc trong cuộc chiến này. Một bác sĩ giấu tên có thâm niên gần 30 năm chống dịch ở cơ sở than thở: “Đi họp chống dịch, các ban ngành cũng cử người tham gia, nhưng khi bắt tay vào thực tế, chỉ có nhân viên y tế là làm việc”. BS Hệ cho biết: “Việc quản lý trẻ dưới năm tuổi của các hộ di dân từ nơi khác về gặp nhiều khó khăn. Cán bộ chống dịch chỉ dựa trên số trẻ thường trú, còn số trẻ tạm trú thì không nắm hết”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở quận 8 có gần 3.000 hộ có phòng trọ cho thuê. Việc quản lý các hộ có trẻ dưới năm tuổi đến đây tạm trú hoàn toàn không phải là chuyện của ngành y tế mà của các ban ngành khác, vì thế nếu chỉ dựa vào ngành y tế chống dịch quả là… chuyện không tưởng!
Bộ Y tế đi “dẹp” dịch bệnh
Ngày 14/7, TS. Nguyễn Văn Bình, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại nhiều địa phương, cục đã thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm thuộc khu vực Nam và Trung Bộ ngay trong tháng 7 này.
Theo đó, các đoàn công tác sẽ phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh và xử lý triệt để ổ dịch. Hiện đã có 2 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng theo báo cáo của bộ Y tế, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 21.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, trong đó 21 trường hợp tử vong. Bệnh chân tay miệng đang có chiều hướng gia tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam, với gần 20.000 ca mắc được phát hiện, bao gồm 52 ca tử vong tại 10 địa phương. |
Sài Gòn tiếp thị