TPHCM: Đóng cửa trường do bệnh tay chân miệng

Nhiều trường mầm non trên địa bàn TPHCM tạm đóng cửa vì bệnh tay chân miệng đang lây lan nguy hiểm.

 

TPHCM: Đóng cửa trường do bệnh tay chân miệng - 1

Một số phụ huynh đến xem thông báo của Trường mầm non Vàng Anh tại cơ sở 1 ở 629B Hưng Phú, Q.8, TPHCM về việc tạm ngưng học hè vì bệnh tay chân miệng


Sáng 13/7, sân Trường mầm non Vàng Anh, Q.8, TPHCM không còn hình ảnh cô giáo và các bé chạy nhảy, vui chơi trong tiếng nhạc rộn ràng. Trường đóng cửa, hành lang thành chỗ để xe, các phòng học khóa im ỉm. Chỉ còn vài giáo viên túc trực ở trường để nhận hồ sơ tuyển sinh và phát tài liệu về phòng chống dịch tay chân miệng cho phụ huynh có nhu cầu.

 

Áp lực từ phụ huynh

 

Trước cổng trường có bảng thông báo với nội dung “Hiện nay tình hình dịch bệnh tay chân miệng lan nhanh, diễn biến phức tạp, nguy hiểm... Chúng tôi tha thiết mong phụ huynh vượt qua khó khăn, cố gắng tìm cách giữ trẻ ở nhà”...

 

Đại diện ban giám hiệu Trường Vàng Anh cho biết: “Nhiều tháng nay trường tăng cường công tác phòng ngừa, tuyên truyền về dịch bệnh cho phụ huynh và giáo viên, vệ sinh môi trường và thân thể các em sạch sẽ.

 

Tuy nhiên trong số 120 trẻ học hè ở trường có một em bị bệnh phải nghỉ ở nhà một tuần nhưng gia đình không biết trẻ bị bệnh tay chân miệng, cứ đinh ninh bị viêm họng.

Sau khi gia đình đưa trẻ đến lớp, bé bị nôn ói, nhập viện thì bé bị hôn mê, lúc đó mới biết bị bệnh tay chân miệng. Ngay sau đó, cơ quan y tế đã kiểm tra tình trạng sức khỏe của tất cả học sinh trong trường và nhà trường quyết định xin tạm ngưng dạy hè cho đến khi vào năm học mới”.

 

Tương tự, một số trường mầm non công lập tại Q.8 cũng tạm ngưng hoạt động dạy hè kể từ đầu tuần này. Tại Trường mầm non TH, các giáo viên cho biết hoạt động dạy học đã tạm ngưng, đến đầu năm học mới trẻ sẽ tới trường.

 

Đa số phụ huynh ở địa bàn này đưa con về nhà, một số phụ huynh khó khăn thì gửi con ở các trường tư trong thời gian ngắn.

 

Tại Trường mầm non tư thục Ánh Linh, ban giám hiệu vẫn nhận trẻ đến lớp nhưng dán thông báo ở cổng trường với nội dung “Nhà trường sẽ không nhận các bé khi có các dấu hiệu sốt, nổi mẩn đỏ ở tay, chân, miệng, mông, đầu gối..., nếu bé có bệnh phụ huynh cho bé ở nhà để điều trị”.

Việc không tiếp tục nhận giữ cháu trong hè đã gây khó khăn cho một bộ phận phụ huynh không có người ở nhà giữ trẻ. Tuy nhiên, ông Triệu Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.8, khẳng định: “Bây giờ đang là thời điểm hè, việc có giữ trẻ hay không là do thỏa thuận giữa trường mầm non và phụ huynh.

 

Đây là thời điểm giáo viên làm thêm để tăng thu nhập nhưng nếu họ không muốn làm thì không thể ép buộc. Thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn quận đã phát hiện gần 10 trường hợp bị bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong và một trường hợp bị hôn mê sâu. Thậm chí có trường cứ hai tiếng kiểm tra các cháu một lần nhưng vẫn phát hiện hai trường

 

hợp bị bệnh khiến giáo viên rất lo lắng. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo trường nào cảm thấy không yên tâm, không bảo đảm tránh được việc lây lan bệnh tay chân miệng thì tạm ngưng, không giữ cháu trong hè”.

 

Có “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao

 

BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 TPHCM, nhận xét những năm trước vào thời điểm này gần như chỉ còn rải rác một vài ca tay chân miệng nhập viện, nhưng nay đã vào giữa tháng 7 số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện vẫn ở mức cao. Hiện mỗi ngày khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 vẫn có 160-200 trẻ nằm viện và 70-100 trẻ nhập viện, trong đó có nhiều ca nặng.

 

Ngày 13/7, tại khoa nhiễm BV Nhi Đồng 2 TPHCM có 180 ca tay chân miệng nằm điều trị. Mỗi ngày tại khoa này tiếp nhận khoảng 60 ca mắc bệnh mới. Một bác sĩ điều trị tại khoa cho biết năm trước ngày cao nhất cũng chỉ khoảng 35 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đến giữa tháng 6 bắt đầu giảm, thì năm nay số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại BV Nhi Đồng 2 TPHCM vẫn đang ở mức cao.

 

Số ca nặng vẫn nhiều. Tuần trước, đã có hai trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong tại khoa nhiễm BV Nhi Đồng 2, trong đó có một trẻ ở Q.12 và một trẻ ở tỉnh chuyển lên. Cả hai bệnh nhi này đều nhập viện trong tình trạng nặng, đã bị sốc, phù phổi...

 

Theo BS Khanh, bên cạnh những trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng bị tử vong do nhập viện trễ vẫn có trường hợp trẻ đến từ sớm nhưng tử vong vì bệnh diễn tiến rất nhanh.

 

Còn theo BSNguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Hiện mỗi tuần TP có 400-450 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tuần cao điểm nhất trong mùa dịch này lên đến hơn 500 trẻ.

 

Theo BS Thọ, nguyên nhân chủ yếu khiến số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng hơn nhiều so với mọi năm là do năm nay xuất hiện tác nhân gây bệnh tay chân miệng mới, đó là chủng EV 71 phân nhóm C4. Tác nhân gây bệnh mới này làm nhiều trẻ từng bị bệnh tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh lại.

 

Theo H.HG.,  L.Trang, T.Dương

Tuổi Trẻ