1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bệnh nhân vụ cháy chung cư mini: Vì sao hoảng loạn nhảy từ tầng cao xuống?

Hồng Hải

(Dân trí) - Anh D.Q.T bị gãy tay khi ôm con nhảy khỏi tầng 3 của tòa chung cư mini chia sẻ: "Không nhảy không được, vì đã giật rèm cửa, chăn, khăn... thấm nước, chặn các khe cửa, khói vẫn xộc thẳng vào phòng".

Dễ ngộ độc khí CO vì khói đen kịt

Các bệnh nhân vụ cháy chung cư mini đang được theo dõi chặt, đánh giá nguy cơ sau ngạt, ngộ độc khí CO. Theo chuyên gia, khí CO không chỉ khiến người bệnh ngất xỉu tại chỗ, còn có thể gây tổn thương não về sau.

BS Lê Thị Lan Anh, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, 7 cháu nhỏ được chuyển đến cấp cứu sau vụ cháy chung cư mini đều được đánh giá nguy cơ ngộ độc khí CO và nguy cơ bỏng hô hấp.

Bệnh nhân vụ cháy chung cư mini: Vì sao hoảng loạn nhảy từ tầng cao xuống? - 1

Bệnh nhi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai đều nhanh chóng được cho thở oxy liều cao (Ảnh: Hồng Hải).

Các bệnh nhi vào viện, may mắn không bé nào khó thở, kiểm tra không phát hiện bỏng hô hấp nhưng đều bị kích thích, hoảng sợ.

"Ngay lập tức các bệnh nhi đều được chủ động thở oxy liều cao. Hiện đánh giá, tình trạng các bệnh nhi ổn định, nhưng tất cả các cháu vẫn cần theo dõi chặt nhằm phát hiện nguy cơ viêm phổi, tổn thương não sau ngộ độc khí CO", BS Lan Anh thông tin.

Bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, các bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu dù tỉnh nhưng vẫn phải thở oxy liều thấp.

"Một số bệnh nhân có thể được ra viện trong một vài ngày tới nhưng cần đánh giá chặt, bởi khí CO ngoài gây tổn thương trực tiếp còn gây tổn thương não về sau này. Chúng tôi sẽ lưu ý theo dõi, đánh giá bệnh nhân trước khi ra viện để tránh bệnh nhân về nhà ảnh hưởng đến trí nhớ sau này", BS Hà cho biết thêm. 

Theo bác sĩ, liên quan đến cấp cứu các nạn nhân trong vụ cháy sẽ có các nguy cơ sau:

Thứ nhất là ngạt khói, gây tử vong do thiếu oxy tại chỗ, ngộ độc khí CO. Đặc biệt những trường hợp cháy trong thời gian dài như vụ cháy trên, nếu người dân ở trong phòng kín lâu, ngoài khói còn khí CO dễ gây ngộ độc. 

Thứ 2 là nhiệt độ cao gây ra bỏng cấp, bỏng da, bỏng đường thở, nhiệt cao gây phù nề đường thở thậm chí có thể dẫn đến tử vong. 

Thứ 3 là các trường hợp bị chấn thương do nhảy hoặc ngã từ trên cao xuống, va đập trong lúc chạy khỏi đám cháy. 

Vì sao nhiều người hoảng loạn nhảy từ tầng cao xuống?

Anh D.Q.T (42 tuổi) bị gãy tay khi ôm con nhảy khỏi tầng 3 của tòa chung cư mini chia sẻ: "Không nhảy không được, vì dù đã cố gắng giật rèm cửa, chăn, khăn... thấm nước, chặn các khe cửa mà sau một lúc, khói vẫn xộc thẳng vào phòng.

Nhiệt độ phòng nóng, khói đen khó thở, nên lúc đầu tôi định bện dây đu xuống nhưng sợ không đủ thời gian, vừa nhìn thấy dưới cửa ban công thoát hiểm tầng 3 là mái nhà tôn 2 tầng, trong tích tắc tôi vứt nhiều chăn xuống, ôm con 27 tháng nhảy xuống, tiếp đó là vợ cũng nhảy xuống theo, bị gãy chân. Tôi thấy nhiều người tầng khác cũng nhảy".

Bệnh nhân vụ cháy chung cư mini: Vì sao hoảng loạn nhảy từ tầng cao xuống? - 2

Dù biết nhảy từ cao xuống nhiều rủi ro, nhưng khói đen, sức nóng khiến anh T. ra quyết định nhanh chóng, vứt chăn xuống mái tôn nhà bên cạnh và ôm con nhảy từ tầng 3 xuống (Ảnh: Hồng Hải).

Anh T. cho biết, khoảng hơn 11h đêm qua, do ban công thoát hiểm vẫn mở nên khi thấy khói lên, gia đình anh phát hiện ngay có cháy.

"Tôi vội lao xuống tầng 1 cùng mọi người chữa cháy, nhưng khói nhiều quá, mọi người lao lên. Tôi vội bảo 2 đứa lớn, là một bé gái 9 tuổi, bé trai 8 tuổi chạy lên sân thượng tầng 9 để tránh khói. Còn 2 vợ chồng và con nhỏ 27 tháng may mắn thoát nhờ nhảy khỏi nhà nhưng bị gãy tay chân", anh T. nói.

Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), một trường hợp cũng bị gãy chân do nhảy từ tầng 7. Còn tại Bệnh viện Đại học Y, một bệnh nhân nhảy từ tầng 9 xuống bị đa chấn thương đang được các bác sĩ phẫu thuật.

Bác sĩ Hà khuyến cáo, trong tình huống xảy ra đám cháy người dân ít nhất nên phủ khăn ướt che kín miệng, mũi để tránh khói độc xộc thẳng vào có thể khiến người bệnh ngất xỉu ngay lập tức.

Tuy nhiên, việc làm này cũng không ngăn được ngộ độc khí CO nếu ở trong đám cháy lâu, phòng quá kín.

Nhưng trong tình huống có cháy, ngay lập tức làm ướt áo, vỏ chăn, khăn tắm hoặc bất cứ mảnh vải nào để bịt kín mồm miệng, cố gắng theo lối thoát hiểm ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng, tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. 

Vì thế, ngay khi được cứu thoát khỏi đám cháy, các nạn nhân được cho thở oxy ngay để đảm bảo cung cấp oxy, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra các vết thương trên người, đặc biệt vết thương do ngã, va chạm sau đó chuyển vào bệnh viện để đánh giá sâu hơn. 

Tại bệnh viện, các nạn nhân sẽ được đánh giá mức độ bỏng, tình trạng suy hô hấp, xem có bị tổn thương đường thở, xét nghiệm khí máu xem có bị ngộ độc khí CO.

Trường hợp bị ngộ độc khí CO sẽ được áp dụng thêm biện pháp thở oxy cao áp. Bệnh nhân bị ngộ độc khí CO có thể bị tổn thương não, hôn mê, không tỉnh lại được nên cần theo dõi sát.

Theo Công an Hà Nội, vụ cháy chung cư mini xảy ra khoảng 23h22 ngày 12/9 phố Khương Hạ. Nơi xảy ra cháy là căn nhà 9 tầng, một tum, có nhiều người mắc kẹt bên trong. Đến thời điểm hiện tại xác định hơn 100 người bị mắc kẹt tại đám cháy được giải cứu, có hơn 30 người tử vong.

Dòng sự kiện: Vụ cháy chung cư mini