1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh dại - Khi nào “người lây người”?

(Dân trí) - Theo tài liệu kinh điển, bệnh dại chủ yếu lây truyền từ nước bọt con vật bị bệnh qua các vết cắn, vết liếm để vào cơ thể người hoặc một số động vật khác.Nhưng cũng có những ngoại lệ, đặc biệt là các ca bệnh dại “người qua người”, sau ghép tạng…

Những ca bệnh dại “người lây qua người”

Trong y khoa đã có những trường hợp bệnh dại lây truyền trực tiếp “người qua người” hiếm hoi, thường thông qua ghép tạng. Thông thường, những người hiến tạng đều được sàng lọc và thử nghiệm để xác định những nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt các vi rút HIV, viêm gan..... Ở Mỹ, hàng năm chỉ có 1-3 trường hợp mắc bệnh dại. Do đó, nếu không nghi ngờ việc xét nghiệm vi rút dại thường bị bỏ qua vì rất khó có kịp kết quả xét nghiệm trong khi phải lấy nhanh tạng để đảm bảo nó có thể “còn sống” để ghép cho người nhận. Những trường hợp bị dại sau ghép tạng được ghi nhận:

- Vài bệnh nhân mắc bệnh dại do được ghép giác mạc của người cho có bệnh nhưng không được phát hiện.

Năm 2013, Trung tâm phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC) xác nhận một bệnh nhân ở Maryland tử vong vì nhiễm vi rút bệnh dại từ người hiến tạng. Xác nhận được đưa ra sau khi CDC, Bộ Y tế và Vệ sinh Tâm thần Maryland có kết quả xét nghiệm các mẫu mô từ người hiến và người nhận tạng. Ba người nhận tạng khác ở Florida, Georgia và Illinois. Sự vụ như sau:

Người hiến tặng đã chết tại Florida năm 2011. Vì không nghi ngờ chết do bệnh dại, nên thận, tim và gan người hiến được chuyển tới những bệnh nhân cần ghép tạng. Cả người nhận lẫn người hiến đều có cùng chủng loại vi rút dại, từ gấu trúc.

Bệnh dại - Khi nào “người lây người”? - 1

Thông tin cơ sở về bệnh dại

Trên thế giới, hằng năm có khoảng 35.000- 50.000 ca bệnh dại ở người, chủ yếu ở các nước đang phát triển, từ động vật nuôi như chó, mèo, phần lớn do chó dại cắn. Trong các bệnh dại tự nhiên, do động vật hoang dại truyền, loài dơi rất nguy hiểm vì nó vẫn sống nhưng mang mầm vi rút dại (lành mang trùng), nên có thể gây những vụ dịch ở động vật.

Nhiều động vật có thể bị dại, theo các mức độ nhạy cảm khác nhau theo thứ tự là: cáo, chó sói, linh cẩu, chuột, chồn hôi, gấu, mèo, dơi, chó nhà, cừu, dê, ngựa, linh trưởng, thú có túi.

Vi rút bệnh dại có trong nước bọt của súc vật bị bệnh không thể đi qua da lành, mà chỉ lây từ động vật này sang động vật khác và sang người qua da và niêm mạc bị tổn thương do bị con vật bị dại cắn, cào, liếm hoặc khi làm thịt súc vật bị dại. Đặc biệt, ở Nam Mỹ, người vào hang động có loài dơi mang vi rút dại cư trú có thể nhiễm bệnh qua đường hô hấp do hít phải không khí nhiễm vi rút dại..

Sau khi nhân lên, vi rút dại tấn công vào các thụ thể acethylcholin trên các synapse thần kinh và gây ra những biểu hiện lâm sàng của hệ thần kinh: kích động, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, có trường hợp bị liệt, hôn mê…Bệnh thường diễn biến qua 2 thời kỳ: (1) thời kỳ đầu, khoảng 1 - 4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng và (2) thời kỳ toàn phát: đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…Người bệnh thường chết vài ngày sau khi lên cơn dại, với tỷ lệ tử vong là 100%.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam