1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Liên tiếp xảy ra vụ chó dại cắn người tử vong

(Dân trí) - Từ đầu năm 2017 đến nay đã liên tiếp có hai trường hợp tử vong do chó dại cắn. Những nạn nhân này sau khi bị chó cắn đều chủ quan không đi tiêm phòng, khi phát bệnh thì đã quá muộn.

Ngày 24/3, thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết có hai trường hợp tử vong do chó dại cắn từ đầu năm 2017 đến nay là các nạn nhân Đ.T.H (SN 1984, trú xã Xuân Du, huyện Như Thanh) và L.V.X (SN 2006, trú bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát).

Theo đó, vào khoảng 10/2016 chị H. sang nhà ngoại (bố mẹ đẻ) ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa)chơi thì bị chó của gia đình cắn. Đến ngày 27/2/2017, chị H. có biểu hiện sốt cao, co giật, sợ ánh sáng nên gia đình đưa tới bệnh viện thì mới biết chị bị chó dại cắn. Mặc dù bệnh nhân đã được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị nhưng đã không qua khỏi.

Nạn nhân L.V.X tử vong cũng do chính chó nhà mình cắn vào tay ngày 25/1 đến ngày 3/3, X. phát bệnh gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng không khỏi. Ngày 5/3 nạn nhân đã tử vong.

Ông Đặng Trường Giang, Phó phòng dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết cả 2 nạn nhân tử vong do chủ quan không đến các cơ sở y tế tiêm phòng sau khi bị cho dại cắn đến khi phát bệnh, nạn nhân đến các cơ sở điều trị đã quá muộn.

“Mấy năm gần đây, năm nào Thanh Hóa cũng tích cực khuyến cáo người dân tiêm phòng cho đàn chó để tránh bệnh dại, tỉ lệ luôn đạt 80%. Ngoài tiêm phòng, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nếu bị cho dại cắn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để tiêm phòng. Hiện bệnh dại chưa có thuốc chữa trị, vì thế tiêm phòng là cách trị bệnh hiệu quả nhất và hầu hết những người bị cho cắn đi tiêm phòng ngay đều không việc gì” – ông Giang thông tin.

Được biết, trong vòng 3 năm trơ lại đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 10 trường hợp bị chó dại cắn tử vong và hàng nghìn người đến các cơ sở tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Nguyễn Thùy