1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé trai 9 tuổi nhiễm nấm tổ ong da đầu do lây từ chó mèo

Hà An

(Dân trí) - Gia đình phát hiện trẻ có một vùng đỏ ở da đầu, nhiều mụn vùng chân tóc, sau đó tổn thương lan rộng hơn, sưng nề đỏ, rụng tóc dần, một số mụn bắt đầu chảy mủ khiến trẻ đau nhức.

Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đang điều trị cho bệnh nhi nam 9 tuổi, được chẩn đoán nấm tổ ong da đầu (Kerion).

Trước đó, gia đình bệnh nhi phát hiện trẻ có một vùng đỏ ở da đầu, nhiều mụn vùng chân tóc, kích thước khoảng 5x6cm. Sau 5 ngày tự điều trị ở nhà, tổn thương trên da đầu trẻ càng ngày càng lan rộng hơn, sưng nề đỏ, rụng tóc dần và một số mụn bắt đầu chảy mủ khiến trẻ đau nhức.

Bé trai 9 tuổi nhiễm nấm tổ ong da đầu do lây từ chó mèo - 1

Hình ảnh tổn thương trên da đầu trẻ (Ảnh: B.V).

Trẻ được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu, trẻ được chẩn đoán nấm tổ ong da đầu (Kerion). Gia đình bệnh nhi có nuôi chó mèo. 

BSCKII Nguyễn Thị Minh, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Kerion là một áp xe do nấm gây nên. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em 3-7 tuổi, cũng có khi gặp ở người lớn. Nó thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm trùng như chốc da đầu, áp xe  do vi khuẩn, viêm nang lông da đầu…

Nguyên nhân gây bệnh là do đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các loại nấm sợi. Các loài nấm này có thể lây từ người sang người do dùng chung vật dụng hoặc lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo) sang người.

Bệnh thường xuất hiện ở da đầu nhưng có thể gặp ở các vị trí khác như da mặt, cổ, chi trên. Kích thước khoảng vài centimet, trong ổ áp xe chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề. Khi mủ chảy ra, khô để lại các mảng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng thương tổn thường bị rụng. 

Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng toàn thân khác như hạch vùng cổ sưng to, sốt, mệt mỏi…

Theo BS Ma Vân Anh, khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, điều trị Kerion cần phối hợp dùng thuốc chống nấm toàn thân với trích rạch, dẫn lưu mủ trong ổ áp xe, kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn. Người bệnh cần được điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung lược, mũ, khăn lau, gối hoặc các phụ kiện tóc khác. 

Thú cưng cũng có thể là nguồn lây bệnh. Nếu trong nhà có người mắc bệnh, nên đưa chúng đi khám để tránh tình trạng tái nhiễm.