Thịt chó mèo không phải là thần dược chữa bệnh
(Dân trí) - Hiện nay có nhiều lời đồn thổi cho rằng thịt chó, mèo bổ dưỡng, thậm chí chữa được bệnh hen. Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, những niềm tin này không có cơ sở.
Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo tập huấn kiến thức và truyền thông giảm tiêu thụ thịt chó, mèo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe diễn ra ngày 10/11 tại Hà Nam.
Theo TS Trần Xuân Nguyên, Trưởng ban chuyên môn, Hội Đông Y Việt Nam, tại Việt Nam, không có dẫn chứng cụ thể về thời gian và lý do thịt chó, mèo được tiêu thụ như thực phẩm.
Tuy nhiên, những lời đồn thổi cho rằng, ăn thịt chó, mèo bổ dưỡng và có thể chữa bệnh được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời có sự liên hệ với việc sử dụng dược liệu và thành phần có nguồn gốc từ động vật theo y học cổ truyền.
Thực tế, thịt chó, mèo không có tác dụng bổ dưỡng nhiều như mọi người nghĩ. Theo y học cổ truyền, thịt chó, mèo không phải là "thần dược" chữa bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, chữa hen...
Bên cạnh đó, cũng không có bằng chứng cho rằng thịt chó hỗ trợ tăng cường sinh lý nam, cao xương mèo hỗ trợ các bệnh lý xương, khớp.
Trong những năm gần đây nhiều quốc gia Châu Á bắt đầu có những lo ngại về tác hại của chuỗi buôn bán thịt chó, mèo từ nguồn gốc, đến hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán và tiêu thụ. Việc tiêu thụ và buôn bán thịt chó và mèo có thể gây bệnh dại và bệnh xoắn khuẩn, các bệnh về đường tiêu hóa do vi khuẩn E.coli và Salmonella gây ra.
Trong đó, bệnh dại là một nguy cơ lớn. Virus dại có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao trong quá trình nấu chín thịt, nhưng dụng cụ nhà bếp khi nấu ăn dễ bị lây nhiễm chéo và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.
Ông Phạm Ngọc Thuần, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hà Nam cho biết: "Chúng tôi luôn đề cao các giá trị và lợi ích của việc xóa bỏ các dược liệu không có bằng chứng khoa học hoặc không có tác dụng rõ rệt trong phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền".
Theo đó, để cải thiện sức khỏe, hiện nay có rất nhiều dược liệu tự nhiên an toàn, hiệu quả và các sản phẩm, thực phẩm thay thế phong phú khác mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng.
Ông Rahul Sehgal, Giám đốc về Chính sách quốc tế, Tổ chức Soi Dog, cho biết, giảm nhu cầu tiêu thụ thịt chó, mèo sẽ góp phần cắt đứt chuỗi buôn bán chó, mèo vẫn đang diễn ra sôi động tại Việt Nam.
Sự tham gia của các hội đông y là cơ sở định hướng cho bệnh nhân và người dân về việc sử dụng các liệu pháp phòng và chữa bệnh an toàn, bền vững và hiệu quả theo y học cổ truyền.
"Chúng tôi hy vọng rằng, mỗi thầy thuốc y học cổ truyền sẽ lên tiếng và cùng hành động để tạo ra một quan điểm và lối tiêu dùng mới trong xã hội, hướng đến việc chấm dứt các ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam", ông Rahul Sehgal nói.
Bà Bùi Thị Duyên, Giám đốc Truyền thông thay đổi hành vi Tổ chức Intelligentmedia, cho biết: "Chúng tôi lồng ghép trong khóa đào tạo các kiến thức và kỹ năng về truyền thông thay đổi hành vi nhằm bổ trợ cho các thầy thuốc y học cổ truyền những kỹ năng mới trong việc thông tin đến bệnh nhân và xã hội".
Việc sử dụng thông điệp truyền thông phù hợp và những bằng chứng rõ ràng về tác hại của việc tiêu thụ thịt chó, mèo là những cơ sở thuyết phục để khuyến khích cũng như duy trì sự thay đổi của các nhóm đối tượng người sử dụng.