Bé gái 13 tuổi đang ngủ bỗng tím môi, 5 ngày sau ngưng tim vì bệnh hiếm
(Dân trí) - Đang ngủ, gia đình phát hiện bé gái 13 tuổi bị co gồng và tím môi. 5 ngày sau khi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2, em ngưng tim.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Nhật Vi, khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa cứu sống một trường hợp trẻ bị hội chứng hiếm gặp gây ngưng tim, đe dọa tính mạng.
Bệnh nhi tên N.B.T. (13 tuổi, quê Bình Dương). Khai thác bệnh sử, trước đó khi đang ngủ, gia đình phát hiện bé gái bị tím môi, liên tục có các cơn co gồng người.
Nhanh chóng, T. được cha thao tác nhấn tim và đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh. Lúc này, bé tiếp tục có cơn co gồng. Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu và đo điện tim, bác sĩ ghi nhận T. có cơn xoắn đỉnh (một dạng rối loạn nhịp tim) thoáng qua, nên chuyển bệnh nhi đến tuyến trên, với chẩn đoán hội chứng QT dài.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, T. được tái chẩn đoán bị hội chứng QT dài bẩm sinh type 3. Lúc này, bé có thêm hai cơn co gồng, tím môi trong khoảng 1-2 phút. 5 ngày sau khi nhập viện, bé lại co gồng rồi ngưng tim.
Lúc này, ekip điều trị tiến hành hồi sức tim phổi, kết hợp sốc điện cho bệnh nhi. Khoảng 30 phút sau hồi sức, em có nhịp đập sinh lý ở tim trở lại.
Ngay khi nhận diện tình trạng khẩn cấp của bé, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Trí Việt, Trưởng khoa Tim mạch của bệnh viện đã xem xét các phương án điều trị thích hợp nhất cho bệnh nhi.
Bên cạnh dùng thuốc chống rối loạn nhịp, các bác sĩ đã hội chẩn cùng lãnh đạo khoa Nhịp tim của Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) về vấn đề đặt máy khử rung (ICD).
Gần ba tuần tích cực điều trị, T. đã ổn định, giao tiếp tốt, sinh hiệu ổn với tim đều, không ghi nhận nhịp nhanh và được xuất viện.
Theo các bác sĩ, hội chứng QT dài bẩm sinh là chứng rối loạn hoạt động điện của tim, gây ra xoắn đỉnh, giảm cung lực tim.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến hồi hộp, co giật, ngất, cuối cùng là tử vong. Để chẩn đoán bệnh, nhân viên y tế cần đo điện tâm đồ, quan sát các triệu chứng lâm sàng, ghi nhận tiền căn gia đình.
Yếu tố khởi phát cơn nhịp nhanh có thể do gắng sức, căng thẳng, áp lực, tiếng ồn, có thể xảy ra khi ngủ hoặc nghỉ ngơi.
Bác sĩ khuyến cáo, mặc dù hiếm gặp nhưng hội chứng này là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ em. Do đó, với các trẻ đã được chẩn đoán bệnh, phụ huynh cần giúp con tránh các yếu tố khởi phát và trang bị kỹ năng hồi sức tim phổi cơ bản khi trẻ trở nặng.