Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận trách nhiệm việc trẻ phải ra Hà Nội để ghép gan
(Dân trí) - Ngoài nhận trách nhiệm trong việc trẻ phải ra Hà Nội để tìm đường ghép gan, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiết lộ, hiện khu vực phía Nam không còn trung tâm nào ghép tạng cho trẻ nhỏ.
Chiều 22/5, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) đã có những chia sẻ trực tiếp với báo chí, xoay quanh sự việc nhiều phụ huynh có con đang điều trị bệnh gan giai đoạn cuối phải ra Hà Nội tìm đường sống, vì bệnh viện hoãn phẫu thuật ghép gan.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, mỗi năm bệnh viện có khoảng 30 bệnh nhi bị suy gan giai đoạn cuối, cần ghép gan. Nếu không phẫu thuật kịp thời, trung bình mỗi tháng sẽ có 2 trẻ tử vong. Ông thừa nhận, thời gian qua có hiện tượng một số bệnh nhi được cha mẹ đưa ra Hà Nội tìm cách ghép gan.
Theo bác sĩ Trí, trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 có ký kết hợp tác về ghép gan với Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, nhưng thời hạn đã kết thúc từ tháng 10 năm ngoái. Sau khi hết hợp đồng, nếu có trường hợp khẩn cấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn công văn nhờ bệnh viện bạn hỗ trợ.
Đáng chú ý, bác sĩ Trí tiết lộ, trước đây nếu không thể ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ có thể sang Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Nhưng không hiểu vì lý do gì, hiện tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cũng bị gián đoạn việc ghép gan.
"Đây là tình huống không ai tin, không ai dự đoán được" - bác sĩ Trí nói và cho biết, thậm chí trên quy mô toàn khu vực phía Nam, tạm thời không còn trung tâm nào ghép tạng cho trẻ nhỏ.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, dù không có chủ trương chuyển trẻ sang cơ sở khác, nhưng bệnh viện này nhận trách nhiệm về tình trạng trẻ phải ra Hà Nội để tìm kiếm cơ hội ghép gan, giữ mạng sống.
Lãnh đạo bệnh viện phân trần, phòng mổ cũ của bệnh viện hạn chế về cơ sở hạ tầng, số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa như phẫu thuật tim hở, ngoại thần kinh, ghép tạng…, với nhiều trường hợp cần phẫu thuật gấp.
Cụ thể, 2 phòng mổ dành cho ghép tạng 18 năm qua của nơi này cũng chính là phòng mổ sọ não và mổ tim. Nếu triển khai 1 ca ghép tạng, thì các ca mổ sọ não và mổ tim phải hoãn 1 tuần, tiềm ẩn nguy cơ bệnh nhi có thể gặp biến chứng và tử vong.
Do đó, bệnh viện đang triển khai xây dựng thêm 2 phòng mổ đạt chuẩn dành cho ghép tạng (bao gồm cả ghép gan). Tuy nhiên, chỉ khi đề án ghép tạng được thông qua, phòng mổ mới có thể sử dụng.
Trước đó vào trưa 22/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ 3 nguyên nhân khiến việc phẫu thuật ghép gan ở nơi này phải trì hoãn.
Thứ nhất, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 gặp khó khăn về mặt chứng chỉ hành nghề chuyên ngành Nhi khoa hoặc Ngoại nhi, chưa được cấp các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn, để được cho phép ghép tạng theo đúng quy trình.
Thứ hai, bệnh viện có số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa. Hiện tại, phòng mổ mới của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã xây dựng gần hoàn thiện.
Thứ ba, thiếu nguồn tạng để cấy ghép.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ với phía Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để tìm hiểu thực hư thông tin nơi này cũng gián đoạn việc ghép gan cho trẻ em, khiến phụ huynh không thể liên hệ để phẫu thuật được, buộc phải ra Hà Nội tìm cách điều trị.
Đại diện bệnh viện đề nghị phóng viên gửi lại câu hỏi cụ thể và cho biết sẽ rà soát, phản hồi sớm.