Bất cập người bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ: Bộ Y tế nói gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Cử tri Hà Nội đề nghị Bộ Y tế quan tâm công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhằm khắc phục bất cập trên.

Trong kiến nghị gửi Bộ Y tế trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cử tri Hà Nội đã đề cập đến nhiều vấn đề cần có hướng tháo gỡ trong lĩnh vực y tế.

Đáng chú ý, cử tri Hà Nội nêu thực trạng quá tải cơ sở y tế tuyến đầu dẫn đến người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ, gây ảnh hưởng tiêu cực.

"Hiện nay các bệnh viện tuyến đầu đều quá tải, có tình trạng bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ hành chính, làm ảnh hưởng đến người bệnh.

Đề nghị quan tâm công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với ngành y tế, nhằm khắc phục bất cập trên", cử tri Hà Nội nêu trong kiến nghị.

Bất cập người bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ: Bộ Y tế nói gì? - 1

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Phạm Thắng).

Về vấn đề này, theo Bộ Y tế, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản và thực hiện một số đề án như:

- Bệnh viện vệ tinh giúp các kíp chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân tới các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới.

- Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TPHCM về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019-2025.

- Các đề án này nhằm từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, đặc biệt ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện.

"Ngành y tế trên toàn quốc cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cơ bản nêu trên cũng như đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều khoa, phòng, bệnh viện, từng bước giảm quá tải các chuyên khoa trọng điểm và các chuyên khoa khác nói chung", Bộ Y tế nêu.

Cơ quan này cũng dẫn chứng một số kết quả nổi bật:

- Số bệnh viện toàn quốc tăng hơn 16%, từ 1.415 bệnh viện vào năm 2014 lên 1.643 bệnh viện tính đến năm 2023.

- Tổng số giường bệnh thực tế năm 2022 là 409.244 giường bệnh, tăng hơn 41% so với năm 2014 là 288.496 giường bệnh.

- Công suất sử dụng giường bệnh thực kê toàn quốc năm 2022 là 95,5%. Trong đó công suất sử dụng của các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm từ 100% năm 2014 xuống còn 80% vào năm 2022. Trong khi đó, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tỉnh tăng từ 92% vào năm 2014 lên 129% vào năm 2022.

Như vậy, theo Bộ Y tế, với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai cơ bản đã khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, tuy nhiên còn tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục các giải pháp đồng bộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn đến năm 2030 nhằm khắc phục triệt để quá tải bệnh viện tại các bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt với các chuyên khoa còn quá tải trong năm và các thời điểm.

Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường, thực hiện các giải pháp và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.