1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hóa:

Báo động bệnh chó dại và dịch cúm gia cầm

(Dân trí) - Từ cuối năm 2013, đến những tháng đầu năm 2014, tình hình dịch cúm gia cầm, bệnh chó dại bùng phát và diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, bệnh dại đã khiến 2 người tử vong.

Hai người tử vong do bệnh dại

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận hai trường hợp tử vong và 8 người khác bị thương do bị chó dại cắn. Hai trường hợp tử vong là 1 nam giới 55 tuổi ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân và 1 cháu nhỏ 4 tuổi ở thôn 4 xã Thiệu Dương.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó.

Theo ông Lê Văn Luận, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa, nguyên nhân của tình trạng trên là do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt thấp (như tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỷ lệ tiêm phòng dại chó đợt 2/2013 chỉ đạt 30/1.670 con; sau khi phát hiện bệnh dại, tỷ lệ tiêm bao vây ổ dịch ở xã này mới đạt 80%); ngoài ra công tác thống kê đàn chó, mèo, một số địa phương làm chưa tốt dẫn đến tình trạng bỏ sót vật nuôi khi tổ chức tiêm phòng...

Trước tình hình trên, Chi cục Thú y Thanh Hóa phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm phòng 100% đàn chó, mèo trong vùng dịch. Nếu hộ dân nào chống đối kiên quyết cưỡng chế và xử lý hành chính chủ hộ; trường hợp phát hiện chó, mèo ốm phải tổ chức tiêu hủy ngay lập tức. Đồng thời, tiêu độc khử trùng khu vực dịch; lập chốt kiểm soát, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ chó, mèo ra vào vùng dịch; toàn bộ chó, mèo phải nuôi nhốt, không thả tự do…

Ngày 12/2, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã cấp 1.000 liều vắc xin bệnh dại và 60 lít hóa chất phục vụ tiêm phòng và tiêu độc khử trùng tại xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, khi phát hiện người nghi bị súc vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại cắn, trước hết phải nhốt chó hoặc mèo để theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 10 ngày; sơ cứu vết thương bị súc vật cắn; đến điểm tiêm phòng dại gần nhất để khám và điều trị dự phòng bệnh dại bằng vắc xin dại, huyết thanh kháng dại; cách ly, điều trị người bệnh tại bệnh viện; tránh tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp của bệnh nhân trong suốt thời gian chữa bệnh. Đồng thời, sát trùng tẩy uế đối với nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh; điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người có vết thương hở hoặc màng niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân...

Vận chuyển gia cầm bị dịch đi tiêu hủy.
Vận chuyển gia cầm bị dịch đi tiêu hủy.

Gia cầm chết do cúm A/H5N1

Bên cạnh đó, tình hình dịch cúm gia cầm cũng đang diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ đầu tháng 2/2014 đến nay, dịch cúm gia cầm cũng đã làm 186/354 con gia cầm của hộ ông Lương Tú Hoàng, thôn Kiếu, xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia bị ốm chết, phải tiêu hủy. Kết quả trả lời xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng III cho thấy, gia cầm của ông Hoàng dương tính với vi rút cúm A/H5N1.

Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Tĩnh Gia tập trung chỉ đạo quyết liệt tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm ngay cho đàn gia cầm ở vùng đệm và vùng bị khống chế; thực hiện vệ sinh cơ giới, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đường làng, ngõ xóm nơi mua bán gia cầm sống, điểm giết mổ gia cầm; lập chốt kiểm dịch tại các nơi ra vào vùng có dịch; lập biển báo vùng đang có dịch và nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ gia cầm ra vào vùng dịch; thực hiện tiêu hủy số gia cầm của các hộ chăn nuôi có dịch và các hộ xung quanh; thông báo cho toàn bộ nhân dân biết để tham gia chống dịch.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm