1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ trải lòng về những ngày trực Tết ở bệnh viện

“Tôi biết, khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong đó có niềm vui đón Giao thừa bên gia đình, người thân”.

Nếu như khoảnh khắc đầu tiên của năm mới mọi người được sum họp bên gia đình thì các bác sĩ vẫn hết mình với công việc.Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có những trải lòng về chuyện trực Tết ở bệnh viện.

Dịp Tết là dịp nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi. Nhưng với những người ngành Y thì Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả.

Dịp Tết lại ưu tiên những người quê xa được về quê nên việc xếp lịch trực càng căng thẳng. Đầu tiên là việc phân lịch trực Tết. Ở những bệnh viện có ít nhân viên, trong những ngày Tết, chỉ 2-3 ngày phải trực 1 ngày.

Đêm giao thừa, ngày mùng một là những thời khắc thiêng liêng nên thường các bệnh viện cũng gắng sắp xếp người có “tuổi đẹp”, tính cách xởi lởi, chuyên môn tốt để trực. Bởi vậy có những người nhiều năm liền bị xếp lịch trực giao thừa hay mùng 1. Có bác sĩ đã được đặt biệt danh “Ông ba mươi” bởi 4 năm liền được xếp lịch trực 30 Tết.

Nguồi dân nghỉ Tết nhưng lưu lượng bệnh nhân vào các khoa Cấp cứu, Hồi sức, Chấn thương không hề giảm, thậm chí còn gia tăng. Phần nhiều liên quan đến uống rượu. Nhiều người uống say đánh nhau gây thương tích, uống say gây tai nạn giao thông, ngộ độc rượu giả hay những người có sẵn bệnh gan, uống rượu quá đà bị suy gan cấp.

Lượng bệnh nhân vào các khoa Cấp cứu vẫn không ngừng tăng dịp Tết
Lượng bệnh nhân vào các khoa Cấp cứu vẫn không ngừng tăng dịp Tết

Ngày Tết, cứ bệnh nhân say rượu vào viện thì thường cả hội nhậu say xỉn ùn ùn kéo vào càn quấy. Có người nhậu quá chén, nôn cả ra đống máu. Hội nhậu hơn chục người vào ai cũng tỏ ra thân thiết, quan tâm đến bệnh nhân, ai cũng hùng hổ ép thầy thuốc quan tâm nhiều nhất, dùng thuốc tốt nhất cho bệnh nhân. Nhưng đến khi thầy thuốc yêu cầu mọi người đi thử máu để nếu cần hiến máu cứu bạn thì cả nhóm dần dần lặng lẽ rút lui hết để lại ông bạn vàng nằm một mình cho nhân viên y tế chăm sóc. Và bệnh nhân này sáng hôm sau tỉnh dậy cũng lặng lẽ bỏ trốn từ sớm, bùng luôn khoản viện phí.

Với bệnh nhân họa hoằn lắm cũng chỉ phải đón giao thừa ở bệnh viện một vài lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Đêm 30, mồng 1 hay mồng 2 Tết luôn phải túc trực trong bệnh viện, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Tôi biết, khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong đó có niềm vui đón Giao thừa bên gia đình, người thân. Dĩ nhiên trực Tết ở bệnh viện, các y, bác sĩ cũng vẫn tổ chức đón giao thừa. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường của khoa cùng nâng một ly rượu vang, ăn miếng bánh và chúc nhau năm mới an lành.

Đối với người thầy thuốc, sau một đêm trực là mệt nhoài. Nhưng là ngày Tết nên vẫn phải thực hiện các nghi lễ thăm hỏi họ hàng như thông thường.

Có anh bác sĩ trẻ tranh thủ ngày nghỉ sau đêm trực đến ra mắt họ hàng người yêu. Sau lần ra mắt đó thì cả họ xúm vào khuyên giải cô người yêu thận trọng vì “trông mặt mày nó hốc hác, mắt mũi lờ đờ, ngồi một chốc mà ngáp ba bốn cái, phải tìm hiểu kỹ xem nó có nghiện không”.

Những người có vợ, chồng làm thầy thuốc cũng sẽ quen dần với việc chồng hay vợ đi trực vắng nhà trong ngày Tết. Nhưng những đứa trẻ là con y tá, bác sĩ thì sẽ luôn thiệt thòi vì chẳng mấy khi được bố mẹ cho đi chơi Tết vì những ngày này, bố mẹ chúng còn đang bận bịu trong sự nghiệp cứu người.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Dân Việt