Du xuân chớ mạo hiểm cái bao tử!
Khi đi du lịch xa, môi trường, thời tiết thay đổi, sinh hoạt thường ngày cũng thay đổi nên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là có trẻ em cùng đi. Các chuyên gia sức khỏe, du lịch tư vấn một số điều cần chuẩn bị để bảo đảm sức khỏe trước chuyến du xuân.
Cẩn thận khi cho trẻ ăn đồ lạ miệng
. Phóng viên: Thưa bác sĩ, cần chuẩn bị những gì để bảo vệ sức khỏe trước và trong chuyến đi?
+ ThS-BS Nguyễn Văn Thạch, BV An Bình TP.HCM: Khi đến những địa điểm mà thời tiết có sự khác biệt, cần giữ đủ ấm nếu quá lạnh và để thân thể mát mẻ khi trời quá nóng. Bởi vậy, trước chuyến đi cần tìm hiểu trước thời tiết, địa hình nơi đến để chuẩn bị những trang phục phù hợp. Khi đi, ngồi trên chuyến bay, tàu lửa đường dài nên thỉnh thoảng đi lại vận động để giúp lưu thông máu. Uống thật nhiều nước trong chuyến đi cũng là liệu pháp đơn giản giúp cơ thể chống mệt mỏi.
. Đi chơi thường kèm với ăn uống nhiều, vậy ở những nơi mới cần lưu ý gì khi ăn uống?
+ Đến nơi lạ, đồ ăn thức uống thay đổi nên cần phải lựa chọn kỹ. Nên chọn những món ăn mới nấu, còn nóng và được dọn ngay sau khi chế biến xong để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm. Không ăn quá nhiều vì có thể bị đầy hơi, gây mệt mỏi. Với các đấng mày râu, hạn chế tiêu thụ quá nhiều chất cồn. Khi thời tiết, giờ giấc thay đổi thì chất cồn dễ gây cảm giác say ảo và mệt mỏi nhiều ngày sau đó.
Điều cần chú ý là mối đe dọa về ngộ độc thực phẩm. Do đó, những bậc cha mẹ đi với con em không nên cho trẻ ăn quá thoải mái vì sẽ rất mạo hiểm với dạ dày của trẻ.
Đề phòng vọp bẻ khi tắm biển
Ngày Tết, người TP thường thích đi du lịch tắm biển. Khi tắm, nếu không may bị vọp bẻ thì xử trí bước đầu như thế nào?
+ Vọp bẻ là tình huống bất cứ ai cũng có thể gặp, tuy nhiên vọp bẻ khi đi tắm biển lại khá nguy hiểm. Để thoát khỏi cơn đau do vọp bẻ cần dừng vận động, thả lỏng cơ thể để thư giãn phần cơ bắp bị co rút, sau đó nhẹ nhàng xoa bóp phần cơ bắp bị đau. Đồng thời kéo căng vị trí bị vọp bẻ ra, ấn xuống nền nhà, nền đất bằng phẳng thì tình trạng vọp bẻ sẽ từ từ hết.
Gặp tai nạn ngạt thở do đuối nước thì cần phải làm gì?
+ Trường hợp bị ngạt nước, nếu sơ cứu không đúng cách dễ dẫn đến suy tim, ảnh hưởng đến hô hấp. Khi thấy người bị đuối nước, ngạt nước cần nhanh chóng đưa bệnh nhân lên khỏi mặt nước, móc họng lấy dị vật (nếu có) và tiến hành hô hấp nhân tạo. Dùng hai tay ép tim ngoài lồng ngực càng sớm càng tốt để phòng bị ngừng tim. Cố định và thận trọng khi di chuyển nếu bệnh nhân bị ngạt nặng. Liên hệ với hướng dẫn viên du lịch tìm bệnh viện gần nhất giúp bệnh nhân nhanh chóng được duy trì hồi sinh tim phổi, cho thở ôxy nếu bệnh nhân cần.
Nhắc trẻ rửa tay
Trẻ thường mắc phải những bệnh gì trong lúc đi du lịch và cần xử trí như thế nào, thưa bác sĩ?
ThS-BS Đinh Thạc, BV Nhi đồng 1, TP.HCM: Trẻ em, nhất là trẻ dưới ba tuổi, sức đề kháng còn rất yếu kém vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Trẻ dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp trên, dưới, cảm cúm, hen suyễn... Ngoài ra, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm khi ăn phải thức ăn lạ. Cha mẹ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong những lần đi chơi, không thay đổi thức ăn đột ngột, hạn chế cho trẻ ăn thức ăn lạ. Đồng thời hạn chế sử dụng quạt máy, máy lạnh nếu có thể, tránh cho trẻ tiếp xúc với bụi bẩn.
Bác sĩ có lời khuyên gì ngắn gọn với các cha mẹ khi đưa con đi du lịch?
BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi đồng 1: Môi trường ở những nơi đông người là điều kiện thuận lợi cho các vi trùng, siêu vi trùng phát triển. Cha mẹ cần nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ, đúng cách thường xuyên hằng ngày, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua con đường tay-miệng. Lưu ý, không nên đi du lịch quá xa dài ngày do dễ gây mệt mỏi cho trẻ.
Những loại thuốc gì cần mang theo?
Đối với thuốc cấp thiết, gia đình cần chuẩn bị một số loại thông thường bao gồm: Thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol, Efferalgan...; thuốc chống mất nước khi bị nôn, thuốc tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa như Oresol, Smecta, Beberin; thuốc chống say tàu xe; một số cao dán để giảm đau cơ bắp do đi lại, vận động nhiều; thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi; bông, gạc, ôxy già để sát trùng, rửa vết thương khi có trầy xước. Các gia đình cũng nên có một lọ dung dịch muối loãng để sát trùng miệng do ăn nhiều, giảm viêm và chống đau họng.… Lưu ý, không mua kháng sinh không rõ loại gì, thuộc nhóm kháng sinh nào để dự phòng sẽ rất nguy hiểm.
BS LÊ THỊ THẢO NHI, BV Nguyễn Tri Phương
Nhớ bảo vệ bàn chân
Khi đi du lịch, chúng ta thường ăn nhiều hơn bình thường, ăn những thực phẩm lạ khiến dạ dày căng đầy, làm nhiều người bị ợ nóng. Theo kinh nghiệm, trong trường hợp này nên ngồi thẳng lưng và uống nhiều nước sẽ thấy dễ chịu hơn.
Bạn cũng có thể bị đau cơ do di chuyển nhiều, liên tục vì cơ thể chưa kịp thích nghi với cường độ hoạt động nhiều hơn bình thường. Trong trường hợp này, mọi người cần duy trì các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ với vận tốc vừa phải để tăng lưu lượng máu đến các cơ bắp, giúp chúng phục hồi. Nếu đau nhức nhiều thì có thể chườm nước đá lên phần cơ đau nhức.
Đi du lịch, việc di chuyển là không tránh khỏi. Vì vậy mọi người nên mang một đôi giày phù hợp, tránh để chân bạn bị nổi các nốt phồng do ma sát và gây đau nhức vào cuối ngày.
Hướng dẫn viên BÙI QUANG LONG, Trưởng đoàn hướng dẫn viên du lịch Công ty Nam Long Travel, TP.HCM
Theo Pháp luật TPHCM