Bác sĩ mách cách phòng bệnh trĩ từ những việc làm hằng ngày
(Dân trí) - Bị táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng nhiều lần, thói quen đứng lâu, ngồi lâu, vệ sinh lâu… đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ của bạn.
TS.BS Hà Mạnh Cường, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương (Hà Nội), cho biết, bệnh trĩ là hiện tượng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn, đây là một bệnh lành tính.
Trĩ là các đệm mạch máu nằm trong ống hậu môn, ở dưới niêm mạc có tác dụng đóng kín lỗ hậu môn, bản chất là tổ chức bình thường. Tuy nhiên, theo thời gian, dưới sự tác động của nhiều yếu tố nó bị sưng, phù, viêm, ra máu, sa lồi, trở thành trĩ bệnh lý.
Theo TS Cường, có nhiều nghiên cứu khác nhau về cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ, trong các thuyết nêu ra có 2 thuyết được nhiều người chấp nhận. Đó là thuyết mạch máu (mạch máu bị đầy, cản trở lưu thông, giãn quá mức, xung huyết, chảy máu) và thuyết cơ học (các thành phần nâng đỡ các tổ chức trĩ bị giãn, lỏng lẻo, gây sa búi trĩ).
Đến nay, nguyên nhân gây nên bệnh trĩ chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên người ta đề cập đến một số yếu tố được xem như là yếu tố nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Thứ nhất là vấn đề tư thế, người có thói quen đứng lâu, ngồi lâu, ngồi vệ sinh lâu cũng có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn.
Thứ 2 là rối loạn chức năng đại tiện, táo bón hay đi ngoài phân lỏng nhiều lần đều là yếu tố nguy cơ.
Thứ 3 là tăng áp lực trong khoang ổ bụng, ở người lao động tay chân nặng nhọc, ho, hắt hơi nhiều… áp lực trong ổ bụng tăng và bệnh trĩ dễ xuất hiện. Người mắc trĩ thường được khuyên không nên tập tạ, mang vác nặng.
Thứ 4 là thai kỳ, nếu phụ nữ chưa bị trĩ thì khi có thai sẽ có nguy cơ bị trĩ, nếu bị trĩ rồi thì khi có thai bệnh dễ nặng lên, thậm chí có thể xảy ra biến chứng trĩ tắc mạch hay trĩ nghẹt.
Nguyên nhân mang thai liên quan đến trĩ do khi mang thai áp lực ổ bụng tăng, thai to chèn ép hệ thống mạch máu làm cản trở lưu thông máu. Ngoài ra phụ nữ mang thai đôi khi bổ sung viên thuốc sắt là một trong những nguyên nhân gây nên táo bón.
Thứ 5 là béo phì, người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị trĩ và hay bị trĩ nặng.
Thứ 6 là yếu tố gia đình, trong gia đình có người bị trĩ thì thành viên khác có nguy cơ bị trĩ cao hơn.
Làm gì để phòng bệnh trĩ?
Từ các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trĩ, chúng ta có các biện pháp phòng bệnh phù hợp. Đó là chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt, làm việc khoa học.
Cụ thể:
- Chế độ ăn, uống: Chúng ta nên kiêng chua, cay, rượu bia, chất kích thích…, đồng thời ăn nhiều rau, uống nhiều nước.
- Tránh tư thế đứng lâu, ngồi lâu, thói quen ngồi nhà vệ sinh kéo dài.
- Chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, rèn luyện sức khỏe: Với những người bị trĩ tránh tập các môn thể thao tăng áp lực ổ bụng như tập tạ, nên tập môn bơi.
- Kiểm soát tình trạng rối loạn đại tiện: Nếu táo bón, bạn phải điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau, uống nhiều nước. Khi điều chỉnh chế độ ăn, uống mà không cải thiện tình trạng táo bón, chúng ta nên đi khám chuyên khoa để dùng thuốc theo chỉ định. Nếu tiêu chảy, chúng ta cũng cần xem lại chế độ ăn, dùng thuốc khi cần thiết.
- Phụ nữ mang thai phải có chế độ ăn, uống hợp lý để phòng tránh tình trạng táo bón.
- Người bị béo phì nên có kế hoạch giảm cân bằng chế độ ăn, uống, luyện tập thể dục thể thao.
"Như vậy trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, làm việc hàng ngày luôn có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Khi chúng ta hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ, muốn phòng bệnh thì phải điều chỉnh thói quen ăn uống hợp lý, chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao, lao động làm việc một cách khoa học nhất", TS Cường nhấn mạnh.