Bác sĩ bất lực nhìn bé trai 5 tuổi bỏng lửa cồn 93% tử vong

Hoàng Lê

(Dân trí) - Dù đã cố gắng hết sức, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, vẫn không thể níu giữ được mạng sống của bé trai xịt cồn vào đống lửa, bỏng nặng đến 93%.

Sáng 7/1, nguồn tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho phóng viên Dân trí biết, bé T.K. (5 tuổi, quê Ninh Bình) đã tử vong vào 6h30 cùng ngày vì viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.

"Những gì làm được cho bé, chúng tôi đã cho làm hết rồi, đã cố hết sức. Bé bỏng nặng quá, kéo được thời gian dài như thế cũng là sự nỗ lực rất lớn của các nhân viên y tế", bác sĩ Diệp Quế Trinh, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 ngậm ngùi chia sẻ.

Trước đó, cuối tháng 10, bé K. được đưa vào bệnh viện trong tình trạng bỏng lửa cồn toàn thân. Theo lời kể của gia đình, thời điểm xảy ra sự việc, bé cầm chai cồn chạy chơi và xịt trúng vào đống lửa đang cháy, khiến cơ thể hóa thành "ngọn đuốc sống".

Bác sĩ bất lực nhìn bé trai 5 tuổi bỏng lửa cồn 93% tử vong - 1

Bé K. thời điểm còn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Các bác sĩ xác định ngoài bỏng nặng độ 2-3 diện tích 93%, bé K. còn bị sốc, suy hô hấp do bỏng đường thở. Quá trình điều trị, bệnh nhi được đặt nội khí quản, dùng kháng sinh cao hết mức, thuốc vận mạch mạnh, hỗ trợ tuần hoàn, cho thở máy cùng hàng loạt biện pháp can thiệp khác.

Trải qua nhiều tuần được can thiệp tích cực, 20% da bệnh nhi lành lại. Mẹ bé là chị H. cũng hiến toàn bộ da đùi, để các bác sĩ ghép da cho con, với hy vọng sau ca mổ, K. có thể vượt qua cơn nguy kịch.

"Không biết có thể cứu được bệnh nhân hay không nhưng chúng tôi cố gắng lấy da vùng đùi của mẹ ghép cho bé, tạo màng sinh học che phủ vết thương. Hy vọng chờ được đến lúc da bệnh nhi lành lại", thành viên ekip mổ chia sẻ vào thời điểm bệnh nhi còn nằm điều trị tại khu vực hồi sức bỏng.

Tuy nhiên đến nay, phép màu đã không xảy ra. Bé K. ra đi trong sự đau xót của các bác sĩ và gia đình.

Bác sĩ bất lực nhìn bé trai 5 tuổi bỏng lửa cồn 93% tử vong - 2

Bé K. tử vong khi đang hồi sức bỏng, vì sốc nhiễm trùng nặng (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo thống kê, chỉ trong 2 tháng gần đây, khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận hàng loạt trường hợp bỏng lửa cồn nặng. Vào tháng 11, các bác sĩ cũng đã chứng kiến một trẻ không qua khỏi vì bỏng lửa cồn diện tích 85%. Cuối tháng 12 năm 2022, khoa lại tiếp nhận một bé trai bỏng 40% vì tai nạn khi cầm chai cồn chơi dưới bếp.

Bác sĩ cảnh báo, bỏng lửa cồn để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống, khiến bệnh nhân gần như phải gắn bó với bệnh viện cả đời điều trị di chứng. Do đó, phụ huynh quan tâm giáo dục con em hơn, cũng như để những chai cồn, chất dễ cháy xa tầm tay trẻ nhỏ.