DNews

"Án tử" 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, người dân khi bị bỏng lửa, nhất là trong nhà kín, bỏng do các vụ nổ có thể gặp phải "sát thủ" này và lâm vào những bi kịch nặng nề.

"Án tử" 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn

Thời gian gần đây, từ Hà Nội, TPHCM đến khắp các nơi trên cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề về nhân mạng và tài sản, để lại nỗi đau khôn tả cho người ở lại.

Với những y bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các ca bỏng, ám ảnh không chỉ đến từ việc bất lực nhìn nhiều bệnh nhân của mình ra đi, mà còn là sự xót xa khi chứng kiến họ đau đớn tột cùng, sức khỏe và tinh thần bị bào mòn vì những di chứng để lại trên cơ thể.

Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 1

Một trường hợp bệnh nhân bỏng phải nằm phòng săn sóc đặc biệt (Ảnh: Hoàng Lê).

"Án tử" 2 lần và những bi kịch sau ngọn lửa

"Lúc đó bệnh viện đã làm giấy báo tử, kêu chuẩn bị đưa về. Gia đình tôi mua áo quan chờ lo hậu sự, nhưng bác sĩ cấp cứu nói còn nước còn tát, tiếp tục kích điện tim. Tầm 30 phút sau, chồng tôi có tim trở lại…", chị H., vợ anh N.T.T. (48 tuổi) kể với phóng viên Dân trí, trong tâm trạng rối bời tại bệnh viện.

Mới trước đó hơn một ngày, anh T. vẫn còn là một người đàn ông khỏe mạnh, trụ cột của gia đình vùng biển. Nhưng vụ nổ bất ngờ trong đêm đã khiến cuộc đời bệnh nhân như rơi xuống vực thẳm.

Theo lời kể của gia đình, anh T. làm bảo vệ cho một khách sạn ở tỉnh Bình Thuận. Rạng sáng ngày xảy ra sự việc, anh phát hiện khu vực bếp của khách sạn có mùi khí gas nồng nặc nên đến kiểm tra. Tuy nhiên khi vừa bật công tắc đèn, bình gas trong phòng phát nổ khiến người đàn ông bị thương nặng, cơ thể cháy đen.

Anh T. được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển gấp lên tuyến trên. Tại khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân trong tình trạng bỏng diện tích 89% độ 2-3 toàn thân, sốc bỏng, bỏng hô hấp nặng.

Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 2
Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 3

Gia đình mua sẵn quần áo chuẩn bị lo hậu sự khi nghe bác sĩ thông báo bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở (Ảnh: Hoàng Lê).

Chỉ sau 1 tiếng chuyển vào bệnh viện ở TPHCM cấp cứu, gia đình được nhân viên y tế thông báo bệnh nhân đã ngừng thở, mạch và huyết áp bằng 0. Ekip điều trị cố gắng cấp cứu không ngừng nghỉ, để bệnh nhân có lại tuần hoàn.

Theo bác sĩ, người đàn ông bị bỏng trong phòng kín nên đã hít nhiều muội than, khí độc, vì gas làm cháy những vật liệu xung quanh. Bệnh nhân được nội khí quản, đặt máy thở, bù dịch, điện giải, dùng kháng sinh, kháng viêm, chống phù nề.

Nhưng vì vết thương quá nặng, một ngày sau, bệnh nhân không qua khỏi. Chưa kịp vui mừng vì tia hy vọng chồng sẽ "hồi sinh" lóe lên, trái tim người vợ thêm một lần bị cứa sâu, khi giờ đây đã chắc chắn không còn phép màu nào nữa.

Chị H. buồn bã tâm sự, gia đình mình có hoàn cảnh khó khăn, con gái lớn phải vừa học vừa làm, trong khi con trai út phát hiện tâm thần từ năm 1 tuổi. Trước đây, hai vợ chồng cùng đi làm nuôi con đã chật vật, còn giờ gánh nặng lại dồn hết lên vai người vợ. Nghĩ đến ngày tháng tương lai, người phụ nữ ngậm ngùi: "Quãng đường sau này chắc sẽ rất khó khăn…".

Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 4

Bệnh nhân bỏng nặng thường có thời gian điều trị kéo dài, viện phí rất cao (Ảnh: Hoàng Lê).

Ở căn phòng đối diện, chú L.V.L. (63 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) nằm co ro trên giường bệnh, chốc chốc lại phát ra tiếng rên xiết. Trước đó khi đang ở trên ghe, bếp gas bất ngờ phát nổ, khiến người đàn ông bỏng nặng 55% diện tích cơ thể, kèm bỏng hô hấp. Khi được đưa đến tuyến trên, bệnh nhân ngoài bị cháy nát người còn phù nề đường hô hấp trên, gây khó thở.

Các bác sĩ đã đặt nội khí quản, cho bệnh nhân dùng máy thở, bù dịch và điện giải, dùng kháng sinh, thuốc giảm phù nề, điều trị hô hấp cũng như hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Từ chỗ khả năng tử vong lên đến 50% lúc ban đầu, người đàn ông được bác sĩ cấp cứu qua cơn nguy kịch. Nhưng thời gian để điều trị các di chứng dự kiến sẽ rất dài, đồng nghĩa với viện phí tăng cao. Để cứu cha, con gái bệnh nhân đã vay mượn những người xung quanh lẫn vay nóng số tiền rất lớn. "Cha tôi có 5 người con, ai cũng làm thuê làm mướn. Đến nay, viện phí tạm ứng của cha đã hơn 100 triệu đồng...", chị Đ., nói với gương mặt xám xịt.

Với trường hợp của chị D.T. (44 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước), thương tích đến với bệnh nhân lại trong một khoảnh khắc bồng bột. Vì buồn chuyện gia đình, chị tự đốt xăng trữ trong nhà, khiến cơ thể bị hủy hoại. Những ngày sau đó, anh T.L. phải gửi 2 con nhỏ ở quê cho gia đình, lên TPHCM chăm vợ. Công việc cạo mủ cao su chỉ đủ đắp đổi cái ăn qua ngày, nên người đàn ông không biết lo liệu thế nào, nếu vợ vẫn còn điều trị trong khoảng thời gian dài.

"Bác sĩ vừa báo tôi cần đóng thêm 19 triệu đồng tạm ứng viện phí cho vợ nhưng làm gì còn tiền, phải xuống làm giấy xin khất nợ. Họ nói còn nước còn tát, không nói trước điều gì. Tôi mong mọi người hãy suy nghĩ kỹ, đừng như vợ tôi, một phút sai lầm hối hận không kịp", chồng chị T. tâm sự.

Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 5
Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 6

Nhiều gia đình lâm vào bi kịch khi có người thân bị bỏng nặng (Ảnh: Hoàng Lê).

Bỏng hô hấp - "sát thủ" đáng sợ

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nơi ông làm việc lúc nào cũng có trường hợp bị bỏng hô hấp, chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân của khoa. Số ca bỏng hô hấp gần đây có sự gia tăng.

Theo bác sĩ Hiệp, bỏng hô hấp là việc bệnh nhân tổn thương đường hô hấp do nhiệt (hơi nóng, khí nóng) hay hít phải các sản phẩm hóa học hình thành từ chất cháy. Tình trạng này thường gặp khi bỏng lửa (nhất là trong buồng kín, nhà kín), hoặc bỏng do các vụ nổ (cháy nổ dưới hầm mỏ, trong lò xi măng...). Trong các vụ cháy nhà ống, khu nhà bít lối thoát hiểm, nguy cơ bỏng hô hấp có thể lên đến 63%.

Về cơ chế, bỏng hô hấp xảy ra do sức nhiệt của tác nhân gây nóng, gây tăng nhiệt độ ở khí quản. Trong đó, khói nóng gây tổn thương nặng, nhất là ở đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, dòng khí áp lực cao có sức nhiệt gấp 4 lần không khí khô có thể gây tổn thương nhiệt trực tiếp đường thở.

Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 7

Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bỏng hô hấp (Ảnh: Hoàng Lê).

Tác nhân gây tổn thương đường hô hấp còn có chất độc trong khói. Nhiều chất độc thậm chí có thể kết hợp gây tử vong cho bệnh nhân. Đơn cử như CO, HCN làm tăng tình trạng thiếu oxy và nhiễm toan ở các mô, đồng thời còn làm giảm tiêu thụ oxy, giảm chuyển hóa ở não. Các chất độc khác như hydrogen chlorid, Nitrogen oxide, các aldehyde... có thể gây phù phổi.

Bác sĩ Hiệp phân tích, tổn thương phổi do hít khói gây ra sung huyết lớp biểu bì nhung mao ở khí phế quản, từ đó dẫn đến phù phổi. Việc hít khói độc làm giải phóng thromboxane (chất gây co mạch, kết tụ tiểu cầu) và các chất gây phản ứng viêm khác, làm tăng áp lực động mạch phổi, gây tổn thương thứ phát đường hô hấp…

Kế đến, nạn nhân hít khói và khí độc cũng gây ùn tắc đường hô hấp, làm bít tắc lưu thông khí. Vùng mặt cổ bị phù nề do bỏng và tổn thương bỏng ở ngực làm cản trở hô hấp. Phản xạ ho của bệnh nhân mất đi khi hoại tử niêm mạc hô hấp và thần kinh bị tổn thương… Các rối loạn trên dẫn tới thủng khí phế quản, xẹp phổi. Khi phổi bị suy giảm miễn dịch có thể làm vi khuẩn phát triển, gây viêm phổi biến chứng nặng.

Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 8
Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 9

Nạn nhân bỏng hô hấp bị cháy đen phổi (Ảnh: Hoàng Lê, BV).

"Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bỏng hô hấp không nhiễm độc khí chiếm 20-40%, khi kết hợp hít phải khí độc có thể lên đến 90%. Nếu qua khỏi, tùy theo mức độ tổn thương, bệnh nhân có thể nằm viện 1-2 tháng, viện phí hàng trăm triệu đồng. Bỏng hô hấp còn có thể gây sẹo, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp sau này của bệnh nhân", bác sĩ Hiệp phân tích.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh chia sẻ, trước đây khi chị còn công tác ở khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị tiếp nhận can thiệp khoảng 5 trường hợp bỏng hô hấp mỗi tuần.

Nhưng khi có những vụ cháy lớn, số lượng này tăng rất cao. Vào năm 2018 (thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư Carina), chỉ trong một ngày có hàng chục người phải nhập viện kiểm tra đường hô hấp. Điều đáng buồn là đa số bệnh nhân bỏng hô hấp do hít bụi than thường không kịp đến bệnh viện để can thiệp. Trong khi đó, bỏng do hóa chất thường để lại di chứng co kéo nặng nề.

Để điều trị một trường hợp bị bỏng có kèm bỏng hô hấp, bệnh nhân cần hàng loạt các can thiệp. Có thể kể đến như liệu pháp bảo đảm oxy, đặt ống nội khí quản và mở khí quản sớm khi có dấu hiệu khó thở, nội soi chẩn đoán và làm sạch đường hô hấp, an thần, trấn tĩnh, giảm đau, bù dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý các tổn thương phối hợp.

Án tử 2 lần và sát thủ đáng sợ trong những vụ hỏa hoạn - 10

Điều trị cho bệnh nhân bỏng hô hấp rất phức tạp (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong đó, nội soi khí phế quản ống mềm là biện pháp xác định chẩn đoán và điều trị tốt nhất. Qua nội soi, bệnh nhân được bơm rửa, hút, lấy bỏ các mảnh niêm mạc lớn hoặc các mảnh hoại tử đã bong ra, tránh gây xẹp hoặc áp xe phổi.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra, người dân cần tìm cách thoát ra khỏi đám cháy càng nhanh càng tốt. Trong quá trình di chuyển, hạ thấp tư thế càng nhiều càng tốt và dùng khăn (khăn ướt càng tốt), khẩu trang che mũi miệng để hạn chế sức nóng, khói bụi từ đám cháy.

"Bỏng hô hấp là nguyên nhân gây chết hàng đầu do điều trị không kịp thời, tốn kém và đòi hỏi nhiều kỹ thuật máy móc. Trong trường hợp có bỏng bụi than, cần nội soi phổi càng sớm càng tốt để thông đường thở", bác sĩ chia sẻ.