Vòng chung kết U17 châu Á 2025

Giải U17 châu Á 2025: Đại diện Đông Nam Á thách thức Nhật Bản, Hàn Quốc

Trọng Vũ

(Dân trí) - Hôm nay (3/4), giải U17 châu Á 2025 khởi tranh tại Saudi Arabia. U17 Việt Nam, U17 Thái Lan, U17 Indonesia đặt mục tiêu vào tứ kết còn Nhật Bản, Hàn Quốc là hai ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.

Lịch thi đấu lượt trận đầu tiên

Bảng A

22h00 ngày 3/4, Uzbekistan - Thái Lan

0h15 ngày 4/4 (theo giờ Việt Nam), Saudi Arabia - Trung Quốc

Bảng B

22h00 ngày 4/4, Australia - Việt Nam

0h15 ngày 5/4, Nhật Bản - UAE

Bảng C

22h00 ngày 4/4, Hàn Quốc - Indonesia

0h15 ngày 5/4, Yemen - Afghanistan

Bảng D

22h00 ngày 5/4, Tajikistan - Oman

0h15 ngày 6/5, Iran - Triều Tiên

Nhật Bản là nền bóng đá vô địch U17 châu Á nhiều lần nhất, với 4 lần đăng quang (1994, 2006, 2018 và 2023). Đây là điều không mấy khó hiểu, bởi Nhật Bản là nền bóng đá có khâu đào tạo trẻ tốt nhất châu lục.

Đội U17 Nhật Bản cũng là đương kim vô địch giải đấu này. Ở kỳ giải gần nhất, U17 Nhật Bản thắng U17 Hàn Quốc đến 3-0 trong trận chung kết.

Giải U17 châu Á 2025: Đại diện Đông Nam Á thách thức Nhật Bản, Hàn Quốc - 1

U17 Nhật Bản là đương kim vô địch U17 châu Á (Ảnh: AFC).

Năm nay, Hàn Quốc có cơ hội đòi nợ U17 Nhật Bản, cũng trong trận chung kết. Hai đội này nằm ở hai nhánh đấu khác nhau. Nếu Nhật Bản (thuộc bảng B) và Hàn Quốc (bảng C) cùng đứng đầu các bảng đấu của từng đội, sau đó họ bất bại ở vòng đấu loại trực tiếp, họ sẽ chạm trán nhau ở trận chung kết.

U17 Hàn Quốc từng có hai lần vô địch U17 châu Á, vào các năm 1986 và 2002. Tuy nhiên, lần gần nhất Hàn Quốc đăng quang tại giải đấu này cách đây cũng đã 23 năm. Bóng đá trẻ Hàn Quốc vì thế khát khao trở lại với ngôi vô địch U17 châu lục.

Ngoài Hàn Quốc, có đến 4 nền bóng đá từng có hai lần đăng quang tại giải U17 châu Á, gồm Triều Tiên (2004, 2006), Saudi Arabia (1985, 1988), Trung Quốc (1992, 2004) và Oman (1996, 2000).

Giải U17 châu Á 2025: Đại diện Đông Nam Á thách thức Nhật Bản, Hàn Quốc - 2

Nhật Bản và Australia đều nằm chung bảng B với U17 Việt Nam (Ảnh: AFC).

Tất cả các đại diện của những nền bóng đá vừa nêu đều hiện diện ở kỳ giải năm nay. Về lý thuyết, bảng D với sự hiện diện của Iran, Oman, Triều Tiên và Tajikistan là bảng đấu khó đoán nhất.

Trong khi Oman và Triều Tiên là những đội giàu truyền thống ở cấp độ U17 châu Á, thì Iran là đại diện đến từ nền bóng đá hàng đầu châu lục. U17 Iran từng có một lần vô địch U17 châu Á, vào năm 2008.

Các bảng đấu còn lại cũng không hề dễ dàng. Các bảng A, B và C có sự hiện diện của các đội Đông Nam Á, lần lượt gồm U17 Thái Lan, U17 Việt Nam và Indonesia.

Cũng về lý thuyết, các đội Đông Nam Á không được đánh giá cao. Tuy nhiên, bản thân Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đều muốn tạo bất ngờ tại giải năm nay với mục tiêu giành vé vào tứ kết.

Vòng chung kết (VCK) giải U17 châu Á năm 2025 diễn ra từ ngày 3/4 đến 20/4 tại Saudi Arabia. Giải đấu năm nay cũng mang tính chất vòng loại cho World Cup U17. Theo đó, 8 đội vượt qua vòng bảng của giải châu Á, sẽ giành quyền tham dự VCK World Cup U17 năm 2025, diễn ra vào tháng 11 tại Qatar.

Giải U17 châu Á 2025: Đại diện Đông Nam Á thách thức Nhật Bản, Hàn Quốc - 3