1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyện 18

Trọc lóc vì thuốc mọc tóc, người đàn ông Hà Nội "cầu cứu" bác sĩ

Thảo Vy

(Dân trí) - Chủ quan cho rằng bị rụng tóc nhẹ, người đàn ông ngoài 40 tuổi tự mua thuốc bôi không rõ nguồn gốc về dùng. Hậu quả sau 3 tháng, khi nhìn vào gương, anh chỉ còn thấy... da đầu trắng hếu.

Trọc lóc vì thuốc mọc tóc

Vào cuối năm 2024, anh T.Q.T. (42 tuổi, Hà Nội) thấy một mảng tóc sau tai rụng nhẹ, kích thước bằng đồng xu.

Vì nghĩ đơn giản do gội đầu không sạch hoặc thiếu chất, anh tự mua một loại kem bôi được giới thiệu là "kích mọc tóc nhanh chóng".

Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần sử dụng, thay vì mọc lại, tóc của anh tiếp tục rụng lan rộng. Đến tháng thứ ba, tóc rụng gần như toàn bộ da đầu.

Lo lắng về tình trạng của mình, anh T. vội đi khám.

Trọc lóc vì thuốc mọc tóc, người đàn ông Hà Nội cầu cứu bác sĩ - 1

Bệnh nhân rụng gần như toàn bộ da đầu sau khi dùng thuốc kích thích mọc tóc (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Thăm khám cho bệnh nhân, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, đây là một trường hợp điển hình của rụng tóc mảng, một bệnh lý tự miễn khá phổ biến nhưng thường bị hiểu sai.

"Không giống như nấm da đầu hay thiếu chất, rụng tóc mảng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào chính các nang tóc khỏe mạnh, gây rụng tóc từng mảng tròn hoặc bầu dục", BS Thành giải thích.

Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn tới rụng toàn bộ tóc trên đầu, thậm chí là rụng lông toàn thân.

Tự ý điều trị, hậu quả ngày càng nặng

Trường hợp của anh T. không phải là cá biệt. Theo BS Thành, không ít người tự mua thuốc, sử dụng các mẹo dân gian hoặc tin vào lời quảng cáo "mọc tóc thần tốc" trên mạng xã hội mà không lường được hậu quả.

"Có bé trai 10 tuổi tôi từng tiếp nhận, rụng tóc từng mảng phía sau đầu. Gia đình xót con nên nghe người quen bôi tỏi giã, lá thuốc... khiến vùng rụng lan rộng, để lại mảng hói lớn, bé mặc cảm đến mức không dám đến lớp", BS Thành chia sẻ.

Chuyên gia này cho biết thêm, trong bệnh rụng tóc mảng, nang tóc bị viêm âm thầm, dần teo nhỏ và mất khả năng phục hồi. Một số yếu tố dễ khởi phát bao gồm: Căng thẳng kéo dài, thay đổi nội tiết tố, di truyền, nhiễm virus, rối loạn miễn dịch sau mắc Covid-19.

"Người bệnh thường không có cảm giác đau hay ngứa, nhưng tóc thì rụng dần dần và không mọc lại. Đến khi nhận ra thì tổn thương đã lan rộng", chuyên gia này nói thêm.

Điều trị sớm là mấu chốt

Việc đầu tiên cần làm khi có dấu hiệu rụng tóc bất thường là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác.

Bác sĩ sẽ dùng thiết bị chuyên dụng để soi nang tóc, xác định xem chúng còn hoạt động hay đã bị teo. Từ đó mới có thể lên phác đồ điều trị phù hợp.

Thông thường, điều trị sẽ kết hợp nhiều phương pháp:

- Thuốc bôi điều hòa miễn dịch tại chỗ (như corticoid liều thấp).

- Thuốc uống hỗ trợ miễn dịch trong các trường hợp nặng.

- Laser lạnh hoặc ánh sáng sinh học để kích thích tuần hoàn máu.

- Tư vấn tâm lý, đặc biệt với bệnh nhân có biểu hiện mặc cảm, trầm cảm.

"Tùy vào cơ địa, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Nếu điều trị sớm, cơ hội phục hồi rất cao", BS Thành khẳng định.

"Đừng chủ quan với bất kỳ mảng tóc rụng nào, dù nhỏ đến đâu. Đó có thể là tín hiệu đầu tiên của một bệnh lý tự miễn. Nếu can thiệp sớm, có thể phục hồi gần như hoàn toàn. Nhưng nếu trì hoãn, sẽ để lại hậu quả không chỉ về ngoại hình mà cả tâm lý", BS Thành nhấn mạnh.