An toàn thực phẩm: Cần phải có chế tài xử phạt hành vi quản lý tắc trách

(Dân trí) - Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tôi chỉ thấy chế tài xử phạt đối với người sản xuất, kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước, ngoài những quy định về trách nhiệm thì không thấy chế tài xử lý nào đối với hành vi tắc trách trong quản lý, chất lượng thực phẩm.

Đó là vấn đề được luật sư Phạm Minh Tâm, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Minh Tâm đặt ra tại buổi tọa đàm về các vấn đề an toàn thực phẩm diễn ra ở TPHCM (ngày 28/4). Ý kiến của luật sư Minh Tâm chỉ ra, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề thường trực bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sinh mạng của từng con người trong xã hội.

Vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh
Vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh

Cuộc chiến với vấn nạn thực phẩm bẩn trên thế giới đã diễn ra quyết liệt nhiều thập kỷ qua, nhưng tại Việt Nam đến nay vấn đề thực phẩm mới được nhà nước thực sự quan tâm. LS Minh Tâm cho rằng, đến nay các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương mới can thiệp quyết liệt là quá chậm trễ. Hậu quả của thực phẩm bẩn mà con người phải dung nạp trong suốt thời gian dài từ ăn phải bún, bánh phở chứa phoóc-môn, chất tẩy trắng, chất làm sáng, đến ăn urê trong cá biển, rồi thịt heo nuôi bằng chất tạo nạc, cho uống thuốc ngủ, cá nuôi bằng kháng sinh, rau của quả ngậm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… đã khiến số người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam trong nhóm dẫn đầu thế giới.

Lý giải cho vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, TPHCM cho rằng: “TPHCM là địa bàn rộng, dân số đông nhất cả nước, thời gian qua các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt được nhiều thành quả trong việc ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những cơ sở chưa tuân thủ quy định.”

Rau của quả ngậm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây hậu quả khôn lường
Rau của quả ngậm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây hậu quả khôn lường

Hiện nay, các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố chỉ cung cấp được khoảng 30% nhu cầu của thị trường về các mặt hàng thực phẩm, số còn lại phải nhập khẩu và nhập về từ các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thanh kiểm tra lấy mẫu các sản phẩm xét nghiệm mức độ an toàn chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục đối với lô hàng chuyển về tại tất cả các chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống. Mặt khác, việc lấy mẫu kiểm định phải tốn ít nhất 3 ngày nhưng thành phố không có kho bảo quản mà giao nhiệm vụ bảo quản cho chủ hàng nên khi có kết quả kiểm tra thì sản phẩm chứa chất nguy hại đã bị tiêu thụ hết.

Thực phẩm bẩn khiến người dân đối mặt với gánh nặng bệnh tật, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội. Đối tượng trực tiếp gây ra các hệ lụy trên chính là những người đã cố tình đưa chất cấm vào quá trình sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm, bệnh tật từ thực phẩm đang là vấn nạn đe dọa toàn xã hội
Ngộ độc thực phẩm, bệnh tật từ thực phẩm đang là vấn nạn đe dọa toàn xã hội

Hiện nay, Việt Nam có tới 3 bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương cùng chia nhau phân cấp quản lý các vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn thực phẩm không an toàn vẫn từ nước ngoài vô tư tràn vào thị trường, thực phẩm trong nước gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng sản xuất, chế biến, phân phối tràn lan.

Theo LS Phạm Minh Tâm, vấn nạn trên xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của các ban ngành liên quan. “Tuy nhiên, khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tôi chỉ thấy chế tài xử phạt đối với người sản xuất, kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước, ngoài những quy định về trách nhiệm thì không thấy chế tài xử lý nào đối với hành vi tắc trách trong quản lý, chất lượng thực phẩm. Đây là lỗ hổng pháp lý cần phải chấn chỉnh kịp thời bằng các quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hoặc xử lý những cá nhân tắc trách, buông lỏng quản lý gây hậu quả cho xã hội.”

Vân Sơn