Ăn măng khô không biết điều này dễ rước bệnh vào người

Nam Phương

(Dân trí) - Canh măng khô là một món ăn truyền thống xuất hiện rất nhiều trong những ngày Tết Nguyên Đán của người dân miền Bắc. Tuy nhiên, không ít người phải vào viện cấp cứu vì bị tắc ruột.

Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất Hà Nội mới đây phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.V.V., 57 tuổi, ở xã Kim Quan bị tắc ruột do bã thức ăn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều lần, được chẩn đoán bị tắc ruột. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

BSCKII Vương Trung Kiên- người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, các bác sĩ đã lấy ra được 5 khối bã thức ăn trong lòng ruột non, khối to nhất có kích thước khoảng 6x3cm, khối nhỏ nhất kích thước khoảng 4x2cm. Các khối bã thức ăn này thường là do khối thức ăn không tiêu hóa được bị vón cục lại trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non tạo thành một cái "nút" gây tắc ruột.

Ăn măng khô không biết điều này dễ rước bệnh vào người - 1

Khối bã thức ăn được lấy ra từ ruột của bệnh nhân (Ảnh: BV).

Trước đó, bệnh nhân có ăn nhiều món măng khô. Tại khoa Ngoại, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp người già tắc ruột do bã thức ăn (do ăn măng, ăn nhai chưa kỹ thức ăn chưa được nghiền nhỏ...). 

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cũng khuyến cáo, 100g măng khô chứa 23g nước, 13g protid, 2,1g lipid, 21,5g glucid, 36g chất xơ. Chất xơ trong măng thậm chí còn nhiều hơn ở một số loại rau tươi. Hàm lượng chất xơ cao vừa tốt cho tiêu hóa, giảm cân vừa giúp phòng chống các bệnh khác.

"Tuy nhiên chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải, khuyến cáo bác sĩ không quá nửa kg mỗi ngày", BS Sơn cho biết.

Tắc ruột do bã thức ăn thường gặp sau khi ăn các chất xơ, dai khó tiêu hóa như măng khô, mít, quả hồng, cam, lông tóc… Tình trạng này thường gặp trên những đối tượng người già, răng kém không nhai được kỹ đồ ăn, bệnh nhân sau cắt dạ dày, bị viêm tụy mạn, suy tụy hoặc ở những bệnh nhân tâm thần tự ăn lông, tóc.

Trong tắc ruột, đoạn ruột ở phía trên chỗ tắc bị giãn căng do ứ đọng dịch tiêu hóa và hơi. Mức độ ứ trệ có xu hướng ngày càng nặng lên nếu không được điều trị. Sự ứ trệ trong các quai ruột gây ra các cơn đau, tình trạng nôn mửa, phát triển vi khuẩn trong lòng ruột… Từ đó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như mất nước điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, nặng nề nhất có thể gây tử vong do hoại tử các quai ruột gây thủng ruột, vỡ ruột.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt tốt giúp phòng tránh hiệu quả tắc ruột do bã thức ăn, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, răng kém, sau cắt dạ dày…

Cụ thể:

- Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ…

- Cần uống đủ nước, trung bình 1,5- 2 lít nước/ngày.

- Chế độ ăn bổ sung các loại rau xanh, mềm, có độ nhớt: rau đay, mùng tơi, đậu bắp… giúp hệ tiêu hóa lưu thông thuận lợi.

- Ăn chậm, nhai kỹ, tránh thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.

- Không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục hay ăn trái cây (như nhãn, vải, táo) mà nuốt cả hột.

- Hạn chế các loại thực phẩm có nhiều chất tanin như: hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, mít…