1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn dặm, bé trai 8 tháng tuổi bị sợi kim loại xuyên thành họng

Vân Sơn

(Dân trí) - Đang được mẹ cho ăn dặm với món cháo, bé trai 8 tháng bất ngờ nôn ói, quấy khóc. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện một sợi kim loại sắc nhọn đang ghim vào vùng hạ họng của bệnh nhi.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố ngày 31/1 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị hóc dị vật rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé trai V.T.Đ. (8 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) được gia đình chuyển đến cấp cứu.

Ăn dặm, bé trai 8 tháng tuổi bị sợi kim loại xuyên thành họng - 1
Trên hình ảnh X-quang bác sĩ phát hiện dị vật cản quang nằm ở vùng hạ họng của bệnh nhi

 Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước khi gặp tình trạng trên, bé được mẹ nấu cháo cá cho ăn dặm. Người mẹ đã cẩn thận dùng rây để lọc cháo trước khi cho con ăn. Tuy nhiên, khi ăn bé bỗng nhiên quấy khóc và nôn ra cháo, lẫn đờm nhầy nhớt. Nghi ngờ con bị hóc xương nên gia đình đã chuyển đến bệnh viện cấp cứu. 

Tại đây, bác sĩ đã cho bé chụp X-quang cổ nghiêng thì phát hiện một vật cản quang có hình dạng rất mảnh đang nằm ở hầu họng. Ngay lập tức, bác sĩ cho bé thực hiện nội soi khẩn cấp gắp dị vật. Bằng thiết bị nội soi chuyên dụng cho bệnh nhi, bác sĩ đã gắp ra một sợi kim loại mảnh nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài gần 2cm. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thiện Nhơn, khoa Tai Mũi Họng cho biết, sợi kim loại đã cắm sâu vào vùng hạ họng tương đương với 1/3 chiều dài khiến bệnh nhi đau đớn. Nhưng may mắn cho bé vì dị vật chưa xuống sâu hơn nên không gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không được phát hiện gắp ra kịp thời, đoạn kim loại có thể xuyên thủng đường tiêu hóa dẫn đến những hậu quả khó lường. 

Dị vật nguy hiểm trên được xác định đã bị rơi ra từ rây lưới thép người mẹ dùng lọc cháo cho con. Rây lọc thức ăn vốn là một dụng cụ thường được dùng rất nhiều trong các gia đình có trẻ nhỏ khi chế biến thức ăn, nhằm nghiền nhỏ cơm, cháo, các loại thịt cá, rau củ hay loại bỏ xương của các loài động vật được dùng để chế biến thức ăn. Tuy nhiên, trong trường hợp trên nó lại biến thành thứ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. 

Từ ca bệnh, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, bảo mẫu trong quá trình chăm sóc trẻ phải hết sức cẩn thận. Nếu gia đình nghi ngờ các cháu bị hóc thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay, không nên tự chữa bằng mẹo vì có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng, gây khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình thăm khám, xử lý. 

Ăn dặm, bé trai 8 tháng tuổi bị sợi kim loại xuyên thành họng - 2
"Thủ phạm" là sợi kim loại rất nhỏ bị rơi ra từ chiếc rây được người mẹ dùng để lọc cháo cho con

Ngoài ra, một tai nạn hóc dị vật khác cũng có thể gặp phải trong quá trình chế biến thức ăn không những cho trẻ mà cho cả gia đình là từ miếng chùi xoong nồi bằng kim loại. Miếng chùi nồi dạng sợi kim loại khi đã cũ sẽ rất dễ bị đứt gãy dính vào quai nồi, nếu bất cẩn sẽ rơi vào thức ăn. Khi ăn phải, sợi kim loại sẽ len lỏi bám vào thành ruột gây tắc ruột, thậm chí có thể gây viêm ruột, rách ruột và những tổn thương khác. 

Mặt khác, tình trạng hóc sặc dị vật những ngày Tết Nguyên Đán thường tăng cao ở trẻ em. Nguyên nhân chính dẫn tới các tai nạn là trẻ được tiếp cận với nhiều loại bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí và trái cây nhưng chưa có kỹ năng lừa vỏ hạt hoặc loại bỏ hạt trong trái cây. Tai nạn hóc sặc dị vật những ngày Tết có thể đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Do đó, bên cạnh việc trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản để xử lý những tình huống khẩn cấp, các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý không nên cho trẻ sử dụng những loại hạt và thực phẩm có nguy cơ hóc sặc.