Học ngay cách sau để cứu sống trẻ nếu không may bị hóc dị vật

(Dân trí) - Các bác sĩ chia sẻ, trường hợp bé trai 2 tuổi sống thực vật vì hóc nhãn; em bé hóc chôm chôm ngừng thở, ngừng tim trong 10 phút, tổn thương não nặng nề là vô cùng đáng tiếc. Bởi hóc dị vật gặp khá nhiều, xử trí cũng không khó và sẽ cứu sống trẻ, cứu trẻ khỏi nguy cơ tổn thương não nếu biết cách sơ cứu đúng.

Dưới đây là hướng dẫn của BS Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu (BV Nhi Trung ương) và điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu Đỗ Quang Vĩ về cách sơ cứu đúng nhất với trẻ nhỏ, trẻ lớn khi không may bị hóc dị vật.

BS Toàn cho rằng, với các ca hóc dị vật, nếu biết cách xử trí, cách sơ cứu rất đơn giản có thể cứu sống được bệnh nhân. Còn nếu xử trí không đúng, bệnh nhân được chuyển tới viện có thể được cứu sống nhưng chịu di chứng suốt đời vì tổn thương não không phục hồi.

Đặt trẻ nằm dọc cánh tay, bàn tay đỡ lấy cổ bé theo tư thế đầu dốc xuống để thực hiện vỗ lưng đẩy dị vật ra ngoài. Ảnh: H.Hải
Đặt trẻ nằm dọc cánh tay, bàn tay đỡ lấy cổ bé theo tư thế đầu dốc xuống để thực hiện vỗ lưng đẩy dị vật ra ngoài. Ảnh: H.Hải

Trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo, có ho được thì hãy khuyến khích bệnh nhân ho và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Trường hợp bệnh nhân ho không hiệu quả, cần làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực. Phương pháp này tư thế người cấp cứu là khác nhau giữa trẻ nhỏ và trẻ lớn.

Các bước sơ cứu hóc dị vật ở trẻ nhỏ

Với trẻ nhỏ, người cấp cứu có thể đứng, hoặc ngồi lên ghế. Sau đó, đặt bệnh nhân nằm sấp lên cánh tay, cho đầu bệnh nhân chúi xuống, nghiêng về 1 bên, dùng 1 chân đỡ dưới cánh tay và thực hiện vỗ lưng 5 lần. Lưu ý khi vỗ lưng theo chiều đẩy xuống phía dưới đầu, cổ. Sau 5 lần vỗ kiểm tra xem dị vật có ra hay không, sau đó lại làm tiếp.

"Ở trẻ nhỏ, chúng tôi không khuyến khích làm heimlich vì nguy cơ tổn thương tạng mà chỉ khuyến cáo vỗ lưng, ấn ngực. Khi xử trí, cần quan sát đánh giá xem dị vật ra chưa. Cũng cần lưu ý, dù dị vật có ra được cũng nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế", BS Toàn nói. (Phương pháp Heimlich là phương pháp ôm sau lưng xốc mạnh làm cho cơ hoành đẩy mạnh lên khiến cho dị vật thoát ra khỏi đường thở của nạn nhân, giúp cho họ thở lại được- PV)

Cách sơ cứu hóc dị vật ở trẻ lớn

Còn với trẻ lớn, hãy đặt trẻ nằm vắt ngang qua đầu gối của người lớn theo tư thế đầu chúi xuống để vỗ lưng. Cần lưu ý, luôn vỗ lưng theo chiều mạnh xuống phía dưới.

Nếu vỗ lưng không thấy dị vật ra, hãy cho trẻ nằm ngược lại, ngửa mặt lên, đầu chúi xuống dưới và ấn ngực ở vị trí 1/2 dưới của xương ức.

Còn nếu bệnh nhân không ho được và không còn tỉnh táo, gọi hỏi không đáp ứng, phải gọi người hỗ trợ. Sau khi gọi người hỗ trợ, hãy làm các bước, đầu tiên là mở thông đường thở. Mở thông đường thở rất đơn giản, hãy đặt trẻ nằm ngửa, một tay giữ vào trán trẻ, một tay để dưới cằm, nâng cằm hơi ngửa lên cao.

Sau đó, cần nghe xem bệnh nhân có thở hay không. Nếu không còn thở hãy hà hơi, thổi ngạt theo nguyên tắc 2 lần hà hơi, 15 lần ép tim (Hà hơi phải thấy rõ được sự di động của ngực, thổi hơi vào miệng trẻ. Ở ngoài cộng đồng bác sĩ khuyến khích hà hơi 5 lần rồi ép tim 15 lần, với tốc độ ép nhanh, khoảng 100 lần/phút).

Với kỹ thuật ép tim, hà hơi thường cần 2 người, một người hà hơi và một người ép tim. Vị trí ép tim là ½ dưới của xương ức. khi ép, cánh tay đặt thẳng lên cầu ngực bệnh nhân, thực hiện 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt (trong cộng đồng có thể thực hiện 5 lần thổi ngạt). Quá trình hà hơi, ép tim cần thực hiện liên tục, sau 1 phút lại đánh giá lại bệnh nhân có thở, có mạch hay chưa. Lưu ý liên tục làm đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Hồng Hải