Ăn con so biển to bằng bát cơm, nam bệnh nhân liệt, suy hô hấp đe dọa tử vong
(Dân trí) - Sau một ngày ăn con so biển to bằng bát cơm, nam bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, liệt toàn thân, suy hô hấp phải thở máy, đồng tử giãn... đe dọa tử vong cao.
Trước đó, ngày 15/9, bệnh nhân Đ.H (sinh năm 1968) được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai từ Bệnh viện Cát Bà, Hải phòng.
TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm chống độc) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, liệt toàn thân, suy hô hấp nặng do liệt cần phải thở máy, đồng tử 2 bên giãn (6mm).
Được biết, trước đó khoảng 19h ngày 14/9, bệnh nhân nướng con so biển to bằng bát ăn cơm rồi ăn món so nướng này. Đến 22h cùng ngày bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu khó thở, tê môi, lưỡi, miệng, mặt, chân tay và bắt đầu nói khó. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đến BV Cát Bà cấp cứu và diễn biến tiếp tục nặng lên, bệnh nhân liệt toàn thân, sụp mi... nên đã được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
"Ngay lập tức, bệnh nhân được thở máy, hồi sức tích cực. Sau bốn ngày điều trị tích cực. Đến nay bệnh nhân đã dần hết liệt, có thể tự thở, qua cơn nguy kịch và hiện tỉnh táo, tiếp xúc tốt", TS Dũng nói.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, tình trạng của bệnh nhân này là điển hình của ngộ độc tetrodotoxin có trong con so biển. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh, rất độc. Chất độc này không bị nhiệt phá huỷ, nó chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô chất độc vẫn tồn tại, do đó thức ăn được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.
Sau khi ăn phải so biển, chất Tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau các triệu chứng ngộ độc xuất hiện, bệnh nhân rối loạn cảm giác (tê môi, lưỡi, chân tay), sau đó bệnh nhân nhanh chóng bị liệt toàn bộ các cơ của cơ thể, đồng tử giãn, trong đó quan trọng là liệt các cơ hô hấp, dẫn tới bệnh nhân không thể ho khạc, không thể thở được và nhanh chóng suy hô hấp, tử vong. Chất độc cũng có thể gây loạn nhịp tim, tụt huyết áp, nôn, đau bụng. Liều tử vong đối với người là 1 - 2 miligam. Nguyên nhân tử vong là liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.
Chất độc tetrodotoxin phổ biến có ở cá nóc, tuy nhiên cũng có ở nhiều loài sinh vật khác như con so, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển...
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ người dân tuyệt đối không được ăn so biển, và đưa ra hướng dẫn chi tiết để nhận biết sự khác biệt giữa so và sam biển. Bởi nhiều trường hợp bệnh nhân nhầm lẫn so biển thành sam biển và ăn mới gây nên tình trạng ngộ độc đáng tiếc.
Sam biển là lành tính, là món ăn phổ biến, ưa thích của nhiều người, thì so biển lại là một con vật gây độc, có thể gây chết người. Đáng nói, cả hai con này đều sống chủ yếu ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Chính vì vậy, thỉnh thoảng xảy ra các ca ngộ độc dẫn đến chết người do người dân nhận diện nhầm con sam và so biển.
Người dân vùng biển, sáng sớm đi dọc bờ biển thường bắt được những cặp vợ chồng sam, con đực lúc nào cũng bám chặt cứng vào lưng con cái, không chịu rời. Người ta bắt sam để lấy trứng ăn là chính, do đó thường vứt bỏ sam đực đi vì sam đực không có trứng và nhỏ chẳng được bao nhiêu thịt.
Món ăn phổ biến được nhân dân ta, nhất là bà con vùng biển ưa thích là trứng sam nướng bởi đây là món ăn béo, thơm, nhiều chất đạm, ăn ngon miệng và giầu chất dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ cơ thể.
Ngược lại, trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm. Chất độc giết người trong loài so biển là Tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Những vụ ngộ độc thức ăn do Tetrodotoxin thường rất nặng. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để phòng tránh các trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc, bà con luôn nhớ là không ăn cá nóc, không nên ăn các loài sinh vật biển lạ hoặc khi bình thường ít được ăn, không ăn con vật bạn nghĩ là sam biển (khi bạn không chắc chắn 100% nó là sam biển).
Ngay cả với các chuyên gia, việc phân biệt chắc chắn giữa các sinh vật trông hình dạng tương tự nhau nói chung là rất khó, chưa kể tên gọi khác nhau giữ các vùng miền.
BS Nguyên cũng cảnh báo mọi người thận trọng khi ăn thực phẩm lạ, món ăn chưa từng ăn... để phòng các nguy cơ dị ứng, ngộ độc thực phẩm.
Hồng Hải