Ai có nguy cơ bị ung thư bàng quang?

Hà An

(Dân trí) - Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư bàng quang hơn phụ nữ. Nguy cơ này tăng lên ở người hút thuốc, tiền sử gia đình có người mắc ung thư bàng quang, sỏi thận…

Tại Hoa Kỳ, khoảng 74.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang mỗi năm. Khoảng 16.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Ung thư bàng quang được xếp hạng là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở nam giới và là nguyên nhân tử vong do ung thư phổ biến thứ tám ở nam giới.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lưu ý rằng phần lớn những người mắc bệnh ung thư bàng quang ở độ tuổi trên 55. Tuổi trung bình được chẩn đoán là 73.

Ai có nguy cơ bị ung thư bàng quang? - 1

Các triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang thường khó nhận biết nên nhiều người thường chủ quan xem thường.

Theo Everyday Health, nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư bàng quang hơn phụ nữ và người da trắng dễ mắc bệnh này hơn người Mỹ gốc Phi.

Nguy cơ phát triển ung thư bàng quang của bạn tăng lên nếu bạn:

- Hút thuốc lá.

- Làm việc với hóa chất hoặc vật liệu công nghiệp như thuốc nhuộm, cao su, da, kim loại, dầu mỏ, hàng dệt, sơn hoặc khói diesel.

- Sinh ra với khiếm khuyết bàng quang.

- Có tiền sử nhiễm trùng bàng quang mãn tính, sỏi thận hoặc các rối loạn bàng quang khác.

- Đã phải sử dụng ống thông bàng quang trong một thời gian dài.

- Trước đó đã nhận một số loại thuốc hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu,

- Có tiền sử nhiễm ký sinh trùng bàng quang.

- Có tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang.

- Uống nước có chứa clo hoặc asen.

Triệu chứng của ung thư bàng quang

- Tiểu máu không đau xuất hiện ở khoảng 80% các trường hợp.

- Triệu chứng kích thích đường tiết niệu: tiểu rắt, tiểu bí…

- Đau bụng, sờ thấy khối vùng hạ vị.

- Phù chi dưới.

- Các triệu chứng toàn thân như gầy sút, xanh, nhợt… 

- Các triệu chứng của di căn xa: đau xương, ho… 

Siêu âm là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, rẻ tiền và hiệu quả phát hiện các tổn thương ở bàng quang; nhưng cần lưu ý là phải nhịn đi tiểu cho bàng quang căng lên.

Phòng ngừa ung thư bàng quang          

- Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.

- Làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.

- Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.

- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố.

- Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa…

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.                

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, hay gặp ở nam hơn ở nữ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao có thể phòng ngừa được bằng cách bỏ thuốc lá. Có thể phát hiện sớm bằng những phương tiện chẩn đoán phổ biến hiện nay như siêu âm, chụp CT-Scan, nội soi bàng quang chẩn đoán. Tỷ lệ khỏi bệnh cao khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.